Từ cơn đại hạn tìm hướng cơ cấu sản xuất mới cho miền Tây

01/04/2016 00:00

(TN&MT) - Từ sau cuộc làm việc giải quyết thiệt hại hạn mặn tại ĐBSCL do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hồi đầu tháng 3 đến nay giới nghiên cứu khoa học đã...

 
 
(TN&MT) - Từ sau cuộc làm việc giải quyết thiệt hại hạn mặn tại ĐBSCL do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hồi đầu tháng 3 đến nay giới nghiên cứu khoa học đã và đang tranh luận sôi nổi nhằm vạch ra hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất mới cho vùng đất này…
 
Cần nhắc lại rằng cùng với việc quyết định một số giải pháp khắc phục thiệt hại trước mắt do hạn mặn gây ra tại ĐBSCL, tại hội nghị này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành phối hợp địa phương rà soát điều chỉnh qui hoạch phù hợp tình hình BĐKH để phát triển kinh tế xã hội theo hướng thích ứng, bền vững, trong đó chú trọng qui hoạch về kết cấu hạ tầng, đặc biệt rà soát điều chỉnh quii hoạch thủy lợi tổng thể vùng, công năng Đông – Tây, ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở, phát huy lợi thế 3 mặt hàng chủ lực lúa gạo, trái cây, thủy sản cho ĐBSCL.
 
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát, nhấn mạnh: “Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay sẽ lập lại, nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải tính đến câu chuyện dài hạn hơn để bảo vệ vùng ĐBSCL, bảo vệ đời sống nhân dân. Trước hết phải điều chỉnh về mùa vụ, hình thành cơ cấu sản xuất mới. Phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đủ mạnh, từng bước đủ sức ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL”.
 
Đưa nước mặn vào nuôi trồng cây con khác có giá trị cao hơn (?)
 
Xung quanh vấn đề điều chỉnh mùa vụ, hình thành cơ cấu sản xuất nông nghiệp mới, gần đây GS.Võ Tòng Xuân đã đăng đàn, cho rằng ĐBSCL nên mạnh dạn cắt bỏ vụ lúa phải tưới (vụ Đông Xuân) ở những địa phương ven biển không đảm bảo nguồn nước ngọt để đưa nước mặn vào nuôi thủy sản hoặc các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 
 
-	Nhiều hộ dân ở các địa phương ven biển có nhu cầu bức xúc đưa nước mặn vào vùng “ngọt hóa” để nuôi tôm nước mặn
Nhiều hộ dân ở các địa phương ven biển có nhu cầu bức xúc đưa nước mặn vào vùng “ngọt hóa” để nuôi tôm nước mặn
 
Theo ông, Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể cho chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị cao hơn lúa từ tháng 6/2013 nhưng trên thực tế không có chuyển biến gì tại các vùng đất ven biển không thích hợp trồng lúa trong mùa nắng. Bộ NN&PTNT và lãnh đạo các địa phương không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn tiếp tục chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, bất chấp những cảnh báo khoa học và khi hạn hán trở nên ngày càng gay gắt, nguồn nước ngọt không về đủ, nhường chỗ cho nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền gây thiệt hại khoảng 58.300ha lúa. Trong khi đó, hàng năm những nông dân thực hiện hệ thống canh tác lúa - tôm muốn có nước mặn để nuôi tôm nhưng phải đấu tranh với nông dân trồng lúa không cho nước mặn vào vùng này, rốt cuộc rồi cả lúa và tôm đều bị thiệt hại.  
Rừng ngập mặn phải bảo vệ theo Công  ước Ramsar
Rừng ngập mặn phải bảo vệ theo Công ước Ramsar
 
Tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ ngày càng đi sâu hơn vào đất liền là một thực tế không cưỡng lại thiên nhiên được. “Trong quy hoạch cho cây lúa cao sản của ĐBSCL, từ khi chúng ta sử dụng lúa ngắn ngày, chúng tôi đã bố trí trồng hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên. Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đã bố trí một vụ lúa trong mùa mưa, và khi dứt mưa thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, các kèo, cua, v.v… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa”. GS. Võ Tòng Xuân, nhắc lại. 
 
-	Nếu để nước mặn xâm nhập vào sẽ gây thiệt hại về thủy sản nước ngọt
- Nếu để nước mặn xâm nhập vào sẽ gây thiệt hại về thủy sản nước ngọt
 
Ông nêu rõ rằng nông dân trồng lúa đều biết giá trị quý nhất của lúa gạo là làm no bụng người tiêu dùng, nhưng lúa gạo không làm no túi tiền của người trồng lúa. Điều này càng đúng với nông dân sống trong vùng mặn. Chỉ nơi nào chắc chắn có nước ngọt trong mùa khô (đông xuân) mới trồng lúa. Việc giảm diện tích lúa là rất hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang dư lúa ăn và xuất khẩu, nhưng nên xác định là giảm lúa đông xuân của các vùng nhiễm mặn trong mùa khô (nắng) là chính. Những vùng lúa khác cũng có thể giảm nếu địa phương hoặc một doanh nghiệp nào đó cần đất để trồng cây, nuôi con gì mà thị trường đang cần, có giá trị cao hơn lúa. 
 
“Theo tôi, không nên giới hạn chỉ giảm 400.000ha nếu thị trường cần chuyển diện tích lớn hơn cho cây trồng giá trị lớn hơn lúa. Không nên sợ mất diện tích lúa, vì chỉ cần 1 triệu ha lúa đã có thể sản xuất đủ lượng gạo tiêu dùng trong cả nước”. GS. Võ Tòng Xuân, nêu rõ.
 
Cần suy nghĩ trước khi quyết định, nếu sai rất khó sửa lỗi (!)
 
Tại hội thảo đánh giá về BĐKH tác động đến chuỗi ngành hàng lúa gạo, trái cây vùng ĐBSCL, mới đây, Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện KHKTNN miền Nam, đặc biệt lưu ý: “Chúng ta không thể vội vàng kết luận về giải pháp nuôi trồng thủy sản nước mặn thay thế sản xuất lúa gạo mà không có nghiên cứu cẩn thận. Các nhà quy hoạch nông nghiệp phải mất rất nhiều năm để xác định khả năng phát triển bền vững một chương trình sản xuất nông nghiệp của cả một vùng rộng lớn ở ĐBSCL để nuôi sống 90 triệu dân. Đưa nước mặn vào vùng đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp nước ngọt cần phải được suy nghĩ trước khi quyết định. Mặn hóa như vậy sẽ phá hủy cấu trúc vật lý đất nghiêm trọng hơn, khi chúng ta quyết định sai, và điều này rất khó sửa lỗi”.
 
Trồng cây ăn trái bằng nước ngọt từ nhiều năm nay
Trồng cây ăn trái bằng nước ngọt từ nhiều năm nay
 
GS.Bùi Chí Bửu cho rằng, cần duy trì sản xuất nông nông nghiệp theo hệ sinh thái nước ngọt đã tạo dựng được tại vùng ĐBSCL. Trong đó đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hệ sinh thái nước ngọt và duy trì việc trồng lúa. Vấn đề là phải cải tiến giống lúa thích ứng với BĐKH và cơ bản nhất vẫn là giải pháp thủy lợi trong quản lý nước ngọt; cộng thêm những kỹ thuật canh tác khôn ngoan và hệ thống canh tác (rice-based farming systems) linh hoạt. Chỉ đạo chặt chẽ thời vụ gieo trồng trên cơ sở dự báo thủy văn, đặc biệt thời điểm xâm nhập mặn nghiêm trọng. Thậm chí trong thời điểm nước mặn xâm nhập, người ta vẫn có thể lấy được nước ngọt lúc thủy triều thấp ở ĐBSCL, tại một số địa điểm nhất định. Tận dụng hệ thống kinh mương chằng chịt, người ta vẫn có thể tạo nên các bễ dự trữ nước ngọt (water reservoirs) cho từng địa phương (trên cơ sở nghiên cứu khoa học), để giữ mực thủy cấp trong đồng ruộng, không cho tụt xuống sâu hơn tầng sinh phèn (pyrite), tăng cường quản lý biện pháp “ém phèn” trong mùa khô kiệt.
 
Nghiên cứu giống lúa mới thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt
Nghiên cứu giống lúa mới thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt
 
GS Bùi Chí Bửu cũng dẫn nguồn Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT): Đến tháng 2/2016, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng ĐBSCL đạt 368.000ha, bằng hơn 80% diện tích thả nuôi của cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt gần 358.000ha, bằng 86,6% so với cùng kỳ và tôm thẻ chân trắng là 9.740ha, bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo sản lượng tôm năm 2016 của Việt Nam sẽ đạt 300.000 tấn, tăng 5-7% so với năm 2015. Mấy năm gần đây, nuôi tôm ở ĐBSCL cho thấy không phải là nội dung quá dễ dàng. Ngành sản xuất tôm đang đối mặt với quá nhiều thách thức: tôm giống, dịch bệnh, thức ăn, thị trường và khai thác nước ngọt qua các giếng bơm nước ngầm. Nhiều nông dân đã thất bại và phá sản vì dịch bệnh. Tỷ lệ này không hề nhỏ đối với nông dân ít vốn tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,..
 
“Giải pháp tăng cường quản lý rừng ngập mặn (công ước Ramsa) phải được xem là nội dung rất quan trọng để bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn vùng”. GS. Bùi Chí Bửu, nói.
 
Đến thời điểm này, cuộc tranh luận giữa quan điểm chấp nhận cho nước mặn xâm nhập vào trong mùa khô, giảm bớt vụ lúa Đông Xuân ở các địa phương ven biển để nuôi trồng các loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao hơn và quan điểm giữ hệ sinh thái nước ngọt với cơ cấu sản xuất sử dụng nước ngọt đã dày công xây dựng tại ĐBSCL vẫn chưa ngã ngũ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến nhằm đi đến thống nhất hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất thích ứng với BĐKH, phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Bài & ảnh: Hùng Long
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ cơn đại hạn tìm hướng cơ cấu sản xuất mới cho miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO