TTCK Việt Nam: Hợp nhất để tạo ra thị trường chuyên biệt

19/04/2017 00:00

(TN&MT) – Tại buổi Tọa đàm – Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bền vững và minh bạch” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức sáng 19/4, tại Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – ông Vũ Bằng đánh giá,thị trường chứng khoán (TTCK) đang hồi phục và phát triển mạnh; TTCK sẽ đi theo xu hướng hợp nhất để tạo ra thị trường chuyên biệt.

Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trải qua 20 năm hoạt động, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn vì chúng ta xây dựng thị trường chứng khoán trong bối cảnh yếu tố kinh tế thị trường cũng như điều kiện thị trường vẫn còn hết sức giới hạn; việc xây dựng, phát triển TTCK lại phải trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, cuộc khủng hoảng toàn cầu; gần đây nhất là vấn đề xử lý nợ…nhưng TTCK Việt Nam vẫn không ngừng phát triển.

Toàn bộ hệ thống, cấu trúc của thị trường từ quy mô đến chất lượng không ngừng cải thiện và phát triển. Đến nay, TTCK đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Những năm gần đây chúng ta huy động nguồn vốn lớn, khoảng trên 300 nghìn tỷ đồng; những nội dung khác như: đóng góp vào tăng cường minh bạch, quản trị công ty, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước góp phần vào trong hoạt động kinh tế…đều đạt được những kết quả tích cực.

Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại buổi Tọa đàm - Giao lưu
Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (phải)  phát biểu tại buổi Tọa đàm - Giao lưu. Ảnh: Nhân dân online

Đặc biệt, thời gian gần đây TTCK Việt Nam đang tiếp tục có những sự phát triển rất vững chắc; trong vòng quý I năm nay thị trường tiếp tục hồi phục và phát triển mạnh. Riêng từ đầu năm đến nay, chỉ số thị trường của TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 8% và một trong những nơi tăng cao nhất, Hà Nội tăng 1,2%.

Mặt khác, mức vốn hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh, ngày càng khẳng định cấu trúc của TTCK trong hệ thống tài chính ngân hàng. Mức vốn hóa đạt được 51% cổ phiếu, trái phiếu 24%, tổng mức hai thị trường này đã chiếm được 75%, chắc chắn rằng theo định hướng chiến lược đến năm 2000 trái phiểu khoảng 70%, trái phiếu khoảng 30%, mức tổng cộng của hai thị trường này khoảng 100 đến 110 % GDP. Ngoài ra,tính thanh khoản, quy mô giao dịch cũng tăng trưởng rõ rệt trong những năm vừa qua.

Ông Lê Hải Trà – Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM cho rằng, cần thực hiện song song các giải pháp chủ yếu về kỹ thuật cũng như nghiên cứu thêm các thông lệ thế giới
Ông Lê Hải Trà – Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM (áo xanh) cho rằng, cần thực hiện song song các giải pháp chủ yếu về kỹ thuật cũng như nghiên cứu thêm các thông lệ thế giới. Ảnh: Nhân dân online

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế về khung khổ pháp lý, chất lượng hàng hóa, tổ chức thị trường để bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK.

Theo ông Lê Hải Trà – Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK TP.HCM, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cơ sở như tăng cường tính minh bạch thị trường và chất lượng hàng hóa niêm yết, cần thực hiện song song các giải pháp chủ yếu về kỹ thuật cũng như nghiên cứu thêm các thông lệ thế giới nhằm triển khai hiệu quả một số giải pháp.

Cụ thể, cần xem xét sớm triển khai các giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị về hệ thống hạ tầng, quản trị rủi ro, quy trình nghiệp vụ để sẵn sàng cho việc triển khai giao dịch trong ngày theo thông tư 203; Nới rộng biên độ giao động giá, tăng lượng hiển thị giá chào mua/chào bán tốt nhất trong các phiên giao dịch định kỳ/ liên tục; bổ sung thêm trái phiếu vào tài sản đảm bảo của giao dịch ký quỹ để tăng thanh khoản cho cả thị trường tri ái phiếu và cổ phiếu.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến. Ảnh: Nhân dân online
Toàn cảnh buổi Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến. Ảnh: Nhân dân online

Đồng thời, nghiên cứu thêm thông lệ thế giới để triển khai các giải pháp về cơ chế tạo lập thị trường trong thị trường cổ phiếu đối với cổ phiếu có thanh khoản thấp; Mô hình cho vay chứng khoán, giao dịch bán khống; Mô hình DMA (Direct Market Access); Phát triển các sản phẩm tài chính mới trên chứng khoán cơ sở như Chứng quyền có đảm bảo, phái sinh nhằm tăng thanh khoản cho thị trường cơ sở.

Triển vọng phát triển TTCK Việt Nam trong tương lai, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam khẳng định, TTCK Việt Nam sẽ đi theo xu hướng quốc tế là hợp nhất các sàn để hình thành thị trường có hiệu quả cạnh tranh cao với chi phí thấp; Hợp nhất để hình thành cổ phiếu lớn hơn, hội nhập với khu vực và quốc tế. Việc hội nhập này phải đảm bảo được hai yêu cầu về hiệu quả và quản lý.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TTCK Việt Nam: Hợp nhất để tạo ra thị trường chuyên biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO