Trạm Thuỷ văn Mường Lát: Giữ "lửa nghề” nơi vùng biên

Bài và ảnh: Thu Thủy - Hoàng Anh| 05/09/2021 11:48

(TN&MT) - Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, các cán bộ khí tượng, thủy văn nhận nhiệm vụ tại khu vực miền núi Thanh Hóa đã không màng nguy hiểm, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ, gián tiếp bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trước những thảm họa thiên tai.

Từ TP. Thanh Hóa đi huyện miền núi Mường Lát phải trải qua quãng đường dài 250km. Chứng kiến những lần đảo vô lăng liên tục của bác tài, tôi đã hiểu vì sao cánh tài xế dày dặn kinh nghiệm gọi đây là “cung đường thần kinh thép”. Những con đường uốn lượn quanh lưng chừng đồi, núi có độ dốc lớn kéo dài hàng chục cây số, bên kia là vực sâu thăm thẳm chính là “đặc sản” của hành trình đến với vùng cao Mường Lát.

Gian nan nơi vùng biên

Sau 2 chặng nghỉ, cùng 6 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được Trạm Thủy văn Mường Lát nằm ở khu Tén Tằn, thuộc thị trấn Mường Lát. Như đã biết, đây là huyện vùng biên của tỉnh Thanh Hóa, có địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu dốc, núi cao, đất tơi xốp, phía sườn đất dốc, sói mòn, có tính rửa trôi mạnh. Nơi đây tiếp giáp với nước bạn Lào, khí hậu tương đối khắc nghiệt, mưa thì xối xả, thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, lũ quét. Vì vậy, phải thích ứng và làm việc trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp như tại Mường Lát quả thực là một điều không dễ dàng.

Cán bộ thủy văn của Trạm Thủy văn Mường Lát thực hiện quan trắc trên sông Mã

Do đã có hẹn từ trước, nên vừa xuống xe, tôi đã được Trưởng Trạm Lê Xuân Tình hồ hởi tiếp đón. Vẫn còn chưa hết lâng lâng của cơn say xe và ù tai do sự chênh lệch độ cao, tôi đề xuất với ông Tình được thực tế công việc thường ngày của cán bộ thủy văn ngay cho “nóng”.

Theo chân ông Tình cùng các cán bộ ra ven bờ sông Mã, nơi con tàu quan trắc đã neo đậu sẵn. Trước khi lên tàu, tôi được các anh em ở đây trang bị áo phao, hướng dẫn hạn chế đi lại và không ngồi ở mạn thuyền. Đấy là sự cẩn trọng không hề thừa trước dòng nước đục ngầu, mênh mông của sông Mã, vốn được coi là con ngựa bất kham của xứ Thanh trong những ngày lũ về.

Gắn bó với ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã 31 năm, ông Lê Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát phân tích: Với đặc điểm của vùng núi huyện Mường Lát, 2 bờ sông Mã tương đối hẹp, vật cản trên sông nhiều, nước chảy rất xiết, nên mỗi khi gặp thời tiết xấu, việc quan trắc trên sông Mã gặp nhiều nguy hiểm, dễ gây hư hỏng các thiết bị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của anh em.

Trạm Thủy văn Mường Lát cách trung tâm TP. Thanh Hóa lên tới 250km

Theo đó, bất kể ngày đêm, dù là ngày lễ hay ngày thường, dù mùa đông hay mùa mưa, dù có băng tuyết, hay bão lũ thì cứ đến mốc giờ đó là các cán bộ sẽ tiến hành quan trắc, ghi chép số liệu và kiểm tra máy móc, báo cáo lên Trung tâm. Trung bình một ngày, các cán bộ, chuyên viên thực hiện 8 lần quan trắc vào các khung giờ định sẵn. Tuy nhiên vào các ngày có thời tiết khác thường, tần suất quan trắc sẽ tăng lên 30 phút/lần.

Hiện nay, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa có 8 trạm khí tượng thuộc mạng lưới trạm cơ bản, trong đó có 2 trạm tại miền núi gồm: Hồi Xuân, Như Xuân. Đối với mạng lưới trạm thủy văn có 16 trạm thủy văn thuộc mạng lưới trạm cơ bản, bố trí trên hệ thống sông Mã và hệ thống sông Yên, trong đó chủ yếu là các khu vực miền tây, vùng miền núi xứ Thanh như: Cẩm Thủy, Cửa đạt, Mường Lát, Hồi Xuân, Lý Nhân, …

Lửa nghề đốt cháy khó khăn

Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa 250km về phía Tây, khoảng cách địa lý chính là rào cản, thử thách lớn đối với bất kỳ ai có công việc, nhiệm vụ ở Mường Lát. Tuy nhiên, thật đặc biệt khi tất cả 6 cán bộ thủy văn ở đây đều là người miền xuôi “ngược dòng” lên vùng núi khó khăn công tác. Có những đồng chí còn khá trẻ đã xa người thân, vợ con, tuy nhiên bằng tinh thần đoàn kết, Trưởng trạm Lê Xuân Tình đã động viên tinh thần anh em, gác lại nỗi nhớ gia đình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Xuân Tình (người không đội mũ), Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát đã gắn bó với ngành KTTV đã hơn 30 năm

Nói về động lực “giữ lửa nghề”, ông Lê Xuân Tình chia sẻ: Bên cạnh tình yêu với nghề, việc cập nhật số liệu chính xác sẽ giúp dự báo được các hình thái thiên tai có thể xảy ra, qua đó tạo cơ sở giúp người dân chủ động trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản. Đây chính là động lực khiến anh em ở đây không quản ngại khó khăn, theo đuổi ngành KTTV.

Nhớ như in đợt mưa lớn kéo dài gây ra cơn lũ lịch sử năm 2018 tại huyện Mường Lát, ông Tình kể lại: Năm ấy lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng nước đục ngầu lẫn bùn đất, chảy xiết, dữ dội như muốn cuốn phăng tất cả. Khi ấy 5 anh em chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ quan trắc trên sông Mã thì một thân cây lớn bị cuốn tới và thúc mạnh vào thuyền. Cú va chạm mạnh đã khiến thuyền bị nghiêng và chao đảo, toàn bộ thiết bị, máy móc cùng một đồng chí bị ngã khỏi thuyền, rơi xuống dòng nước lũ “hung bạo”. May mắn thay, người này đã kịp thời bám vào mạn thuyền và được đưa vào bờ an toàn. Cũng tại thời điểm đó, cơn lũ lịch sử đã khiến toàn bộ huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn. Mất điện, hệ thống đường giao thông bị chia cắt, không còn sóng điện thoại, anh em chúng tôi phải đi bộ, băng qua hơn 10 km đường rừng núi với mục đích mua sim điện thoại Lào, để có thể liên lạc và cung cấp thông tin kịp thời cho Trung tâm.

Các cán bộ KTTV chịu nhiều áp lực về công việc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng

Tháng 5/2019, Trạm Thủy văn Mường Lát (Thanh Hóa) vinh dự được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chỉ đạo ứng phó, thông tin, truyền thông và khắc phục hậu quả sau thiên tai năm 2018.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi còn có dịp được ghé thăm Trạm Thủy văn Hồi Xuân đóng tại bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Năm 2019. thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định đầu tư nâng cấp Trạm Thủy văn Hồi Xuân từ hạng III lên hạng I. Trạm có diện tích khoảng 800 m2 sát bờ sông Mã, có nhiệm vụ quan trắc các yếu tố mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và một số yếu tố phụ như hướng dòng chảy, gió, diễn biến lòng sông.

Ông Nguyễn Anh Bằng, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Hồi Xuân cùng chuyên viên thực hiện quan trắc, ghi số liệu

Trưởng trạm Thủy văn Hồi Xuân là ông Nguyễn Anh Bằng, 56 tuổi, gia đình ông có 3 đời làm trong ngành KTTV, vì vậy, hơn ai hết ông luôn hiểu rõ tính chất quan trọng của nghề và nỗi vất vả, tính đặc thù của công việc: “Ngót nghét đã gần 40 năm gắn bó với Trạm Thủy văn Hồi Xuân, bản thân đã chứng kiến nhiều trận lũ lịch sử khi sinh sống và công tác tại huyện miền núi Quan Hóa. Như vào 2018, mưa lũ kéo dài khiến Trạm Thủy văn Hồi Xuân bị cô lập hoàn toàn. Trạm chỉ có 3 cán bộ, người quan trắc, người kia cập nhập số liệu. Quần áo ai cũng ướt sũng và phải mặc liên tiếp mấy ngày trời, do không thể về nhà. Có hôm phải chia nhau từng gói mỳ tôm, mẩu bánh mỳ rồi động viên anh em cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ông Bằng chia sẻ.

Công việc quan trắc khí tượng, thủy văn đòi hỏi độ chính xác cao của từng con số

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: Các cán bộ khí tượng, thủy văn khu vực miền núi gặp không ít khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc nguy hiểm, áp lực công việc rất lớn do đòi hỏi tính chính xác cao. Có nhiều đồng chí đã công tác trên các huyện miền núi 30, 40 năm nhưng vẫn luôn nhiệt huyết với công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, Đài KTTV Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương và người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức, pháp luật về KTTV. Đồng thời từng bước hiện đại hóa theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, góp phần đưa ra những dự báo, cảnh báo chính xác về thời tiết, thiên tai.

Lời kết

Trở về sau hành trình nơi vùng biên đã giúp tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của ngành KTTV khu vực miền núi đang phải đối mặt. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những Anh hùng thầm lặng, những người đã gián tiếp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước những hiểm hoạ thiên tai luôn rình rập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm Thuỷ văn Mường Lát: Giữ "lửa nghề” nơi vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO