TP. Hồ Chí Minh và Nam Định có 8 ca nhập cảnh mắc COVID-19

Khánh Linh| 23/04/2021 08:59

(TN&MT) - Theo bản tin sáng 23/4 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 8 ca mắc COVID-19 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Ảnh minh họa

Số ca mắc ở Việt Nam

Tính đến 6h ngày 23/4, Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca.

Tính từ 18h ngày 22/4 đến 6h ngày 23/4: 8 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Thông tin ca mắc mới

CA BỆNH 2817 (BN2817) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 36 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bệnh nhân từ Ukraina quá cảnh Qatar, sau đó nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/4 trên chuyến bay QR970 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 19/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

CA BỆNH 2818 (BN2818) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nam, 34 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia. Bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Qatar, sau đó nhập cảnh tại Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 18/4 trên chuyến bay QR970 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 19/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

CA BỆNH 2819 (BN2819) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 31 tuổi, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Bệnh nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 14/4 trên chuyến bay TK6086 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 20/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

CA BỆNH 2820 (BN2820) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

CA BỆNH 2821 (BN2821) ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh nhân nữ, 39 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

BN2820-2821 từ Dubai nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 14/04/2021 trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

- CA BỆNH 2822 (BN2822) ghi nhận tại tỉnh Nam Định: Bệnh nhân nam, 36 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

- CA BỆNH 2823 (BN2823) ghi nhận tại tỉnh Nam Định: Bệnh nhân nam, 30 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

- CA BỆNH 2824 (BN2824) ghi nhận tại tỉnh Nam Định: Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

BN2822-2824 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vân Đồn ngày 20/4 trên chuyến bay VJ2723 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Nam Định. Kết quả xét nghiệm ngày 22/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.191, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 518 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.688 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.985 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 12 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 11 ca và số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 17 ca.

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ ở mức rất cao

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia hết sức phức tạp. Ca mắc trong những ngày gần đây mặc dù có giảm, nhưng vẫn ở 3 con số. Nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không chỉ ở những trường hợp nhập cảnh trái phép, mà cả nhập cảnh theo đường chính ngạch. Thậm chí, có lần trong 11 người nhập cảnh về Việt Nam có tới 10 người dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ. Hiện nay, 2 đoàn công tác của hai đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn đang có mặt tại khu vực này để rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đặt cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ ở mức rất cao. Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao đối với khu vực này. Các biện pháp chúng ta đang triển khai cũng đã phát huy được hiệu quả.

"Biện pháp thứ nhất, đó là làm mọi việc để ngăn chặn tối đa nhập cảnh trái phép vào khu vực này. Tất cả các lực lượng, từ bộ đội biên phòng, công an, đến các lực lượng tại địa phương đã cắm chốt và tăng dày các điểm cắm chốt để quản lý việc nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, trên đường biển - khu vực rất rộng lớn, việc nhập cảnh trái phép trên đường biển cũng hết sức phức tạp - các tỉnh đã tăng cường tuần tra, giám sát việc nhập cảnh", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Các địa phương cũng huy động mọi người dân tham gia phòng chống dịch, báo cơ quan chính quyền địa phương khi có người nhập cảnh. Tiếp đến, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các địa phương tăng cường xét nghiệm, giám sát, tầm soát những trường hợp, đối tượng, khu vực có nguy cơ… để có thể phát hiện sớm tình hình dịch, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị cho những tình huống dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp hơn.

Cụ thể, đó là chuẩn bị cho tình huống nâng công suất xét nghiệm, cho việc cách ly, cách ly trên diện rộng và cách ly trong thời gian rất ngắn đối với các trường hợp nghi ngờ và tiếp xúc gần với những trường hợp dương tính. Các tình huống khác cũng được đặt ra, như xây dựng bệnh viện để điều trị cho những bệnh nhân trong tình huống có diễn biến dịch phức tạp.

“Chúng tôi luôn đánh giá, tất cả các tỉnh có đường biên giới như Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang… đều là những khu vực rất “nóng” trong tình hình dịch hiện nay. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên để đón bệnh nhân và đã cử chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đễn đây hỗ trợ việc thiết lập bệnh viện dã chiến”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh và Nam Định có 8 ca nhập cảnh mắc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO