TP.HCM: Xây dựng hệ thống trung chuyển rác hiện đại
(TN&MT) - Từ năm 2025, tất cả các trạm trung chuyển rác tại TP.HCM sẽ được xây dựng khép kín, hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
Sở TN&MT TP.HCM vừa có Tờ trình báo cáo gửi UBND TP.HCM sơ kết kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Đồ án quy hoạch xử lý rác trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của TP.HCM khoảng 0,98kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Khắc phục ô nhiễm tại các trạm trung chuyển rác
Mặc dù, 100% khối lượng CTRSH của TP.HCM được thu gom, xử lý, tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình tập kết rác tại các trạm trung chuyển để các phương tiện đưa tới các khu xử lý rác tập trung lại phát sinh ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác. Vì vậy, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các trạm trung chuyển, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các trạm trung chuyển rác hiện đại.
Định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa thành phố tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 40 trạm trung chuyển rác (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện) trên địa bàn 19 quận, huyện; đến năm 2050 giảm xuống còn 36 trạm (15 trạm khu vực và 21 trạm quận, huyện) trên địa bàn 16 quận, huyện.
Theo Sở TN&MT, UBND TP.HCM đã ban hành định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và giao cho UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường và cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 40 trạm trung chuyển rác (13 trạm khu vực và 27 trạm phục vụ quận, huyện) trên địa bàn 19 quận, huyện; đến năm 2050 giảm xuống còn 36 trạm (15 trạm khu vực và 21 trạm quận, huyện) trên địa bàn 16 quận, huyện.
Về yêu cầu kỹ thuật, từ năm 2025 trở về sau, tất cả trạm trung chuyển rác của thành phố được xây dựng với khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đậu chờ phương tiện được thiết kế kín hoàn toàn. Đồng thời phải sử dụng công nghệ ép rác kín và trang bị đầy đủ hệ thống xử lý môi trường.
Đồng thời, các trạm trung chuyển rác phải đảm bảo kết nối đồng bộ, tiếp nhận các loại phương tiện thu gom tại nguồn. Ngoài ra, các trạm này phải có khả năng phục vụ, tiếp nhận rác thải sinh hoạt và các loại rác thải khác của hộ gia đình như rác cồng kềnh, rác thải xây dựng, rác thải nguy hại và được trang bị các hệ thống hiện đại khác như: hệ thống camera, hệ thống phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận tại trạm, chất lượng môi trường của trạm.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, thời gian qua, UBND TP. Thủ Đức và một số quận, huyện đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển. Đến nay, 2 trạm trung chuyển rác đã hoàn thành xây dựng, vận hành; 1 trạm trung chuyển đang xây dựng; 2 trạm trung chuyển đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và 11 trạm trung chuyển đang thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thủ tục giao đất, đăng ký vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định.
Lùi thời hạn xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện
Hiện nay, trên 70% tổng lượng CTRSH của TP.HCM được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Từ năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030.
Theo Sở TN&MT, trên địa bàn thành phố hiện có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện đang triển khai, trong đó UBND thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án của Công ty CP Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày); 3 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi gồm: Công ty CP Tasco (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và Công ty Môi trường đô thị TP.HCM (1.000 tấn/ngày). Ngoài ra, TP.HCM cũng đang thực hiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai các nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ mới theo hình thức đối tác PPP.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, với tiến độ thực hiện các dự án, chỉ có dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Tâm Sinh có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này phải nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án trong năm 2023 và triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 đến 24 tháng.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT TP.HCM đánh giá tỉ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế có khả năng cao không đạt 80% tại thời điểm cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Thành phố đã đặt ra. Vì vậy, Sở TN&MT đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt 80% thêm 2 năm, đến năm 2027 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.