TP.HCM triển khai hiệu quả cấp quyền khai thác tài nguyên nước
(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM là địa phương được đánh giá triển khai hiệu quả công tác cấp quyền khai thác tài nguyên nước, góp phần sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết công tác cấp quyền khai thác nước của TP.HCM đã được triển khai như thế nào và đạt được những kết quả gì?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Luật Tài nguyên nước 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Thời điểm đó, nội dung về tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Đến ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2017 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 41/2021/NĐ-CP) nhằm quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP, đối với các đơn vị đã được cấp phép khai thác trước ngày 1/9/2017, Sở TN&MT đã yêu cầu tất cả các đơn vị đề nghị thực hiện kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gửi về Sở để thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt. Đồng thời, Sở TN&MT cũng có văn bản gửi UBND các quận, huyện đề nghị rà soát các Giấy phép khai thác nước dưới đất đã cấp cho các đơn vị thuộc địa bàn quản lý, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gửi về Sở để thẩm định và trình UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Để rút ngắn thời gian phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, qua đó giúp sớm hoàn thành việc truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, UBND Thành phố đã ủy quyền cho Sở TN&MT và UBND cấp quận, huyện được phép phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đối với các hồ sơ xin phép khai thác tài nguyên nước sau ngày 1/9/2017, Sở TN&MT tiến hành thẩm định và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước song song với quá trình cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.
Đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT đã thẩm định và tham mưu phê duyệt 685 hồ sơ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền thu ngân sách Nhà nước là 48,6 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng thu ngân sách Nhà nước, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.
PV: Ông có thể đánh giá việc chấp hành chủ trương nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị được cấp quyền khai thác trên địa bàn thành phố? Những khó khăn trong công tác quản lý cần tháo gỡ?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Về cơ bản, đến nay công tác thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các đơn vị được cấp quyền khai thác đều nắm được quy định và chấp hành đóng tiền.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn, vướng mắc. Năm 2017 mới có hướng dẫn chi tiết thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng một số đơn vị đã được cấp phép khai thác trong các năm từ 2015 - 2017 (có thời hạn giấy phép từ 2 - 3 năm) thuộc đối tượng phải truy thu tiền cấp quyền. Mặc dù Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị các đơn vị phải thực hiện kê khai tiền cấp quyền theo quy định nhưng một số đơn vị có sự nhầm lẫn giữa việc kê khai, nộp thuế tài nguyên nước và kê khai tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là giống nhau, vì vậy, chưa thực hiện việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Để giải quyết khó khăn này, Sở TN&MT đã gửi thư mời họp đến các tổ chức, cá nhân để giải thích quy định mới đồng thời hướng dẫn cách kê khai hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp cố tình không thực hiện, có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, Sở đã đề nghị Thanh tra và căn cứ các quy định pháp luật để xử lý theo quy định.
PV: Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 54/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024 với nhiều quy định mới về quản lý tài nguyên nước nói chung, cấp quyền khai thác tài nguyên nước nói riêng. TP.HCM đã triển khai các quy định mới trên như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Để thuận lợi trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, sớm đưa những nội dung mới của Luật Tài nguyên nước vào thực tiễn, ngay khi Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 54/2024/NĐ-CP có hiệu lực (1/7/2024), Sở TN&MT đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản quan trọng.
Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3230/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước trên địa bàn TP.HCM. Quyết định số 3225/QĐ-UBND về phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM. Quyết định số 3226/QĐ-UBND về ủy quyền cho Sở TN&MT thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ngoài ra, Sở TN&MT đã trình UBND Thành phố phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố. Cập nhật các quy định mới và công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở TN&MT.
Đồng thời, Sở TN&MT đã có văn bản gửi đến các tổ chức, cá nhân đang được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn một số quy định mới trong Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 54/2024/NĐ-CP của Chính phủ để đơn vị biết và thực hiện.
Từ nay đến cuối năm 2024, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, đoàn thể chính trị và các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước tổ chức tuyên truyền, tập huấn và phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023, Nghị định 54/2024/NĐ-CP cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhằm sớm đưa các quy định pháp luật vào trong thực tiễn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!