Đảm bảo cung cấp nước an toàn
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46%; duy trì tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Đồng thời, tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước tăng tỷ lệ bao phủ; ưu tiên đầu tư các dự án bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch; tiếp tục lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện; nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước TP.HMC đảm bảo cấp nước an toàn và thích ứng với BĐKH trong tình hình hiện nay. Xây dựng mô hình cấp nước theo hướng Nhà nước quản lý chung ngành cấp nước, chỉ cổ phần hóa các phần việc liên quan đến phần dịch vụ khách hàng hoặc các giai đoạn hỗ trợ khác.
Đồng thời, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình từ nguồn nước, xử lý nước đến mạng lưới đường ống cấp nước với các trang thiết bị tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; nghiên cứu, ứng dụng lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và bảo đảm cấp nước an toàn.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống cấp nước và chế độ chia sẻ thông tin kịp thời giúp các đơn vị cấp nước chủ động khắc phục các rủi ro về nguồn nước; xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xử lý và thu gom bùn từ các nhà máy sản xuất nước.
Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tính đến tháng 2/2022, TP.HCM có hơn 1,5 triệu đồng hồ nước, nhưng có tới 173.000 đồng hồ nước không sử dụng. Số đồng hồ nước này tập trung ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh. Ngoài ra, cả thành phố có khoảng 20% đồng hồ chỉ sử dụng mỗi kỳ từ 0 - 4m3 nước.
Hiện nay, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của TP.HCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động của BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Tiến tới dừng khai thác nước dưới đất
Theo Sở TN&MT TP.HCM, lộ trình giảm khai thác nước dưới đất đã được UBND TP.HCM phê duyệt như sau: đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn TP.HCM còn 150.000m3/ngày; đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác trên địa bàn thành phố còn 100.000m3/ngày. Đồng thời, TP.HCM đặt mục tiêu bảo đảm việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất phải gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước..
Trong năm 2021, TP.HCM đã giảm khai thác nước dưới đất 16.650m3/ngày. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000m3/ngày; trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 1.650m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 3.000m3/ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Sawaco giảm 4.000m3/ngày.
Ông Huỳnh Thanh Nhã - Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở TN&MT TP.HCM cho biết, đối với doanh nghiệp nếu muốn sử dụng nước dưới đất phải xin phép, Sở TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp này phải có cam kết kế hoạch giảm hàng năm. Qua rà soát, kiểm tra, Sở TN&MT cấp phép lưu lượng khai thác giảm dần, thời hạn cấp phép tối đa 2 năm, có đơn vị 1 năm, sau thời hạn đó sẽ xem xét mới cấp lại.
Đối với người dân, hằng năm, Sở TN&MT đều phối hợp với quận, huyện, phường, xã rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt và nhận thấy số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, ở những khu vực có nhu cầu tưới tiêu nhiều như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.. thì việc hạn chế khai thác nước ngầm còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Sở TN&MT đã lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí lắp trám các giếng khoan cho người dân, trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.
Bác sỹ Cao Ngô Lẫm - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết: Năm 2021, HCDC đã lấy 160 mẫu nước giếng khoan, về hóa lý chỉ đạt 3 mẫu, về vi sinh đạt 85%. Quận 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn có tỷ lệ mẫu nước không đạt cao. Nếu đánh giá chất lượng nước giếng khoan theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì 100% mẫu sẽ không đạt, người dân sử dụng để uống trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiến tới chấm dứt khai thác nước dưới đất, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất, trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra.
Theo ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đơn vị đang triển khai kế hoạch giảm khai thác nước dưới giai đoạn 2021 - 2023 phù hợp với lộ trình Thành phố giao, cụ thể như: năm 2021, giảm tổng lượng khai thác từ 70.000m3/ngày về mức 66.000m3/ngày; năm 2022, sẽ giảm tổng lượng khai thác từ 66.000 m3/ngày về mức 60.000m3/ngày và năm 2023, sẽ giảm tổng lượng khai thác về mức 50.000m3/ngày.