TP.HCM sẽ hình thành khu đô thị sáng tạo

30/07/2018 16:15

(TN&MT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có đề xuất với UBND TP.HCM về phát triển bất động sản đáp ứng yêu cầu hình thành khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM.

DATMH
Ảnh minh họa

Theo HoREA, dựa trên các nền tảng đã có về thể chế, kinh tế và cơ sở hạ tầng, 3 quận khu Đông TP.HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức, có diện tích 212 km2, dân số khoảng 943.390 người, mật độ dân số 4.448 người/km2 (quận 2: diện tích 50 km2, dân số khoảng 155.234 người, mật độ dân số 3.105 người/km2; quận 9: diện tích 114 km2, dân số khoảng 263.486 người, mật độ dân số 2.311 người/km2; quận Thủ Đức: diện tích 48 km2, dân số khoảng 524.670 người, mật độ dân số 10.930 người/km2) sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo trong tương lai.

Theo ý tưởng, khi hoàn thành, khu đô thị này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.HCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên mũi nhọn là nền kinh tế tri thức. Là nơi các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong đó có các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao có thể liên kết với nhau; đồng thời, là môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao.

Có ba trụ cột để phát triển thành công khu đô thị sáng tạo là khu vực công, khu vực đại học, khu vực tư nhân. Trong đó, đối với khu vực công, chính quyền giữ vai trò "bà đỡ", định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông. Thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa, thực hiện chế độ ủy quyền đầy đủ cho cán bộ, công chức giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất. “Hiệp hội đề xuất ý tưởng hợp nhất các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trở thành một không gian đô thị thống nhất mô hình Thành phố trong TP.HCM”, HoREA cho biết.

Khu vực đại học, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng với các trường đại học trên địa bàn thành phố là hạt nhân tri thức sáng tạo, cần phải có chương trình, kế hoạch, đề tài để hợp tác, gắn kết với khu vực tư nhân, trước hết là với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, để kết nối giữa khu vực tri thức sáng tạo với nhu cầu của khu vực sản xuất. Còn khu vực tư nhân là một trụ cột, là động lực của khu đô thị sáng tạo và cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Doanh nghiệp tư nhân, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản là nhà đầu tư các dự án, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo.

HoREA cho rằng, đối chiếu với thực tiễn tình hình thành phố, dự kiến xây dựng khu đô thị sáng tạo dựa trên các trụ cột: Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Công nghệ cao Thành phố; Công viên Phần mềm Quang Trung là chưa đủ. “Đề nghị Thành phố có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân để tham gia tích cực vào quá trình hình thành khu đô thị sáng tạo”, HoREA đề nghị.

HoREA nhận định, phát triển bất động sản trong khu đô thị sáng tạo không chỉ là phát triển bất động sản kiểu truyền thống, mà còn phải là phát triển bất động sản xanh, xây dựng khu đô thị thông minh, khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, an toàn, sử dụng tiết kiệm điện, nước, năng lượng tái tạo, vật liệu mới thân thiện môi trường.

Đồng thời, xây dựng các hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian làm việc chung, tận dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh, thực tế ảo. Khu đô thị sáng tạo sẽ là nơi ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cung cấp những tiện ích và dịch vụ mới phục vụ người dân, giải phóng năng lượng sáng tạo của con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sẽ hình thành khu đô thị sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO