TP.HCM: Kiểm soát chất lượng nguồn nước và hạn chế khai thác nước ngầm

Nguyễn Thanh| 24/11/2022 09:12

(TN&MT) - Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày đêm

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, từ năm 2018 -2022, TP.HCM đã giảm mạnh lượng khai thác nước dưới đất từ 716.581m3/ngày đêm xuống còn 264.581m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày đêm…

5.jpg

TP.HCM sẽ tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước phục vụ công tác cấp nước sinh hoạt

Nếu tính theo số lượng công trình đang khai thác nước ngầm và quyền cấp phép, sau 4 năm thực hiện giảm cấp phép khai thác theo lộ trình, hiện nay, TP.HCM còn 159 công trình, trong đó, có 9 công trình (giảm 6 công trình) do Bộ TN&MT cấp phép với tổng lưu lượng 80.980m3/ngày đêm và 150 công trình (giảm 416 công trình) do Sở TN&MT TP.HCM cấp phép với tổng lưu lượng 63.445m3/ngày đêm.

Để hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn, Sở TN&MT đã yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định... để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất, thành phố chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất ngắn hạn với một số đơn vị, đối tượng cụ thể. Điển hình như đối với những đơn vị đặc thù (nhà máy bia, nước giải khát, nước đóng chai...), khu vực sử dụng nước để tưới cây phục vụ các công trình công cộng (công viên, tiểu cảnh dọc các tuyến đường), khu vực chưa có mạng lưới cấp nước hoặc đã có mạng lưới nhưng chất lượng, áp lực nước còn yếu…

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày đêm và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm. Theo đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, TP.HCM sẽ giảm, ngưng cấp phép các trường hợp giấy phép khai thác đến hạn tại các khu vực có mạng lưới cấp nước hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; kiểm tra, thực hiện giảm hoặc kiến nghị Bộ TN&MT giảm lưu lượng khai thác các công trình không khai thác hết lưu lượng được cấp phép.

Giám sát chất lượng nguồn nước cấp

Để kiểm soát chặt chất lượng môi trường nói chung và nước mặt nói riêng, đặc biệt tại các vị trí thượng nguồn cũng như khu vực cho công tác cấp nước trên địa bàn, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến công tác quan trắc chất lượng nguồn nước.

Từ năm 2016, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, TP.HCM đã và đang triển khai công tác quan trắc định kỳ tại 22 vị trí quan trắc nước sông, 80 vị trí quan trắc nước kênh rạch, 14 vị trí quan trắc nước dưới đất. Những thông tin về chất lượng môi trường sẽ được công bố lên bản tin chất lượng môi trường thành phố định kỳ hằng tháng.

Đồng thời, Sở TN&MT đã từng bước phối hợp, đề xuất các dự án để đầu tư, lắp đặt 10 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động liên tục. Ngoài ra, để hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường theo quy hoạch đã được thành phố phê duyệt, Sở TN&MT giao Trung tâm Quan trắc TN&MT kêu gọi các nguồn tài trợ, đầu tư, vận hành theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đối với quan trắc tự động liên tục các nguồn thải lớn và khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố, trong quá trình thẩm định, cấp phép đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường… Sở TN&MT đề nghị các đơn vị cam kết và xây dựng lộ trình quan trắc tự động theo quy định pháp luật.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục lộ trình nâng cấp và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường theo Đề án đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch “Triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025”, TP.HCM sẽ đầu tư mạng lưới quan trắc sụt lún mặt đất tại 11 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn. Đây là địa phương duy nhất trên cả nước đầu tư hệ thống quan trắc sụt lún đất.

Sở TN&MT TP.HCM cũng kiến nghị các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh cho đồng bộ giữa quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường; rà soát, điều chỉnh Thông tư 20/2017/TT - BTNMT ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Kiểm soát chất lượng nguồn nước và hạn chế khai thác nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO