TP.HCM: Chủ động hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Quỳnh| 17/06/2019 11:42

(TN&MT) - Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), từ nhiều năm qua, TP.HCM đã chủ động tìm những giải pháp để ứng phó với vấn đề mang tính toàn cầu này.

T3a
TP.HCM là đô thị có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ảnh: MH

Nhiều tác động tiêu cực

Với diện tích tự nhiên 2.095 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều năm qua, TP.HCM luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, hàng năm, đóng góp khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năng suất lao động của TP.HCM bằng 3 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Trên 1km2 ở TP.HCM có 4.773 người dân, gấp 17 lần bình quân cả nước. Trên 1km2 của TP.HCM, sản phẩm nội địa được tạo ra gấp 36 lần, số thuế thu được gấp 45 lần bình quân cả nước. Tuy vậy, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở TP.HCM gấp 17 cả nước là những thách thức rất lớn cho việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân và làm cho TP.HCM nhạy cảm hơn với tác động của BĐKH.

Về điều kiện tự nhiên, TP.HCM nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây, phải đối mặt với thách thức mới mang tính thời đại, đó là những ảnh hưởng của BĐKH. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP.HCM là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất bởi BĐKH. Theo kịch bản do Bộ TN&MT ban hành năm 2016, nếu nước biển dâng 100cm, 17,84% diện tích TP.HCM nguy cơ bị ngập, trong đó, quận Bình Thạnh ngập 80,78% và huyện Bình Chánh ngập 36,43% diện tích.

Qua đánh giá các yếu tố gây ra BĐKH, các nhà khoa học nhận định, các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP.HCM sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TP.HCM.

T3
Ảnh hưởng của BĐKH khiến TP.HCM thường xuyên bị ngập nước. Ảnh: MH

Chủ động hợp tác quốc tế

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp.

Tháng 10/2009, thành phố chính thức thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hành động ứng phó với biến đổi khí hậu gồm 18 đơn vị Sở, ngành, 24 quận huyện vào Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo. Năm 2012, TP.HCM đã thành lập Văn phòng Biến đổi khí hậu - là đơn vị chuyên trách, có bộ máy, có con dấu, có chức năng giúp việc cho Ban chỉ đạo trong toàn bộ các hoạt động ứng phó với BĐKH của TP.HCM. Năm 2016, Sở TN&MT TP.HCM đã thành lập Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Đồng thời, TP.HCM đã xây dựng được bộ máy và liên kết với nhiều Sở, ngành, có sự giúp sức của doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố. Đã tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về BĐKH cho cán bộ công chức và cho cộng đồng nhân dân. Từ cán bộ công chức chưa hiểu biết về BĐKH cho đến có những hiểu biết cơ bản BĐKH để có thể ứng dụng trong công tác quản lý. Đội ngũ công chức được bổ sung kiến thức về BĐKH thường xuyên và liên tục, được đào tạo ngắn hạn ở một số nước đã đem lại những kiến thức và tư duy mới.

Hàng năm, TP.HCM đều ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thành phố đã lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các Chiến lược, Chương trình, Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của TP.HCM với điều kiện cụ thể phù hợp với các giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Thành phố đang tích cực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển xã hội các bon thấp. Hiện nay, TP.HCM đang quá trình xây dựng mô hình đô thị thông minh, trong đó, việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân.

Đặc biệt, TP.HCM đã chủ động tham gia hợp tác quốc tế trong ứng phó và thích ứng với BĐKH và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2009, TP.HCM đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH); tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Giai đoạn 2011 - 2013, TP.HCM đã hợp tác với TP. Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải các bon thấp và với TP. Rotterdam, Hà Lan trong “Chương trình TP.HCM phát triển về hướng biển thích ứng với BĐKH”. 

Hiện nay, TP.HCM đang phối hợp với Bộ TN&MT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. Đặc biệt, thông qua Dự án hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV)” (gọi tắt là Dự án SPI- NAMA), TP.HCM đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn thành phố năm 2013. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm kê khí nhà kính trong  năm 2016, 2018; đồng thời, thời gian tới TP.HCM sẽ liên tục triển khai kiểm kê KNK 2 năm một lần vào những năm chẵn.

Năm 2017, TP.HCM đã đăng cai tổ chức Hội nghị IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với BĐKH - Hành động của các nhà lập pháp nhằm mục tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề BĐKH; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với BĐKH nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời, vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Việc hợp tác quốc tế đã giúp TP.HCM chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ giúp đỡ về công nghệ, tài chính và tư vấn của các nước phát triển. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng, củng cố các quan hệ quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài chính, đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Chủ động hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO