Ứng phó biến đổi khí hậu: Động lực cho phát triển xanh
(TN&MT) - Phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải tập trung trong những ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đi kèm là các lợi thế để phổ biến công nghệ xanh, thu hút dòng tài chính xanh.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu” vừa diễn ra.
Nhìn nhận phát thải ròng bằng “0” là áp lực rất lớn nhưng không phải là một nhiệm vụ bất khả thi, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nếu Nhà nước có thể thúc đẩy công nghệ đổi mới sáng tạo trong nước, kết hợp hài hòa với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên phong trên thế giới, Việt Nam có đủ căn cứ để tự tin nhắm tới hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết.
Đơn cử như ngành Giao thông là một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất. Đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị là hai dư địa góp phần giảm phát thải khí nhà kính rất lớn. Về Đường sắt quốc gia, Quốc hội lần này chắc chắn sẽ thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt liên vận quốc tế ở phía Bắc và liên vùng ở phía Nam (HCM - Cần Thơ) và có cơ chế, chính sách vượt trội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này, chúng ta có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính có giá trị tương đương hàng chục tỷ USD trong 2 - 3 thập niên tới.
Về giao thông công cộng và đường sắt đô thị, Hà Nội và TP.HCM sẽ hoàn thành mạng lưới khoảng 500km đường sắt đô thị (metro) kết hợp với hệ thống giao thông công cộng cấp 2 (tàu điện mặt đất) và cấp 3 (xe buýt và xe taxi chạy động cơ điện) sẽ thay thế hơn triệu xe ô tô cá nhân và hàng chục triệu xe máy chạy xăng, tương đương giảm hàng triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
"Một tin vui từ công nghệ quốc tế là hiện nay đã có công nghệ tàu điện mặt đất bánh lốp chạy động cơ pin ắc quy như ô tô điện với công suất từ 300 - 500 mỗi chuyến, 20.000 hành khách/1 giờ, đã và đang triển khai ở Trung Quốc, Du Bai, Abu Dabi, Kuchin (Malaysia), TP. Perth (Australia)... với chi phí chỉ bằng 1/5 so với Metro. Công nghệ này hoàn toàn có thể giải mã và nội địa hóa tới 70% nếu áp dụng các cơ chế đã có quy định tại Luật Chuyển giao Công nghệ. Chỉ cần kiên định chủ trương xây dựng đô thị dựa vào giao thông công cộng thay vì quy hoạch đô thị dựa vào giao thông cá nhân, tại các thành phố có quy mô dân cư là 500.000 người trở lên, mục tiêu giảm phát thải là hoàn toàn hiện thực" - ông Đặng Huy Đông lạc quan chia sẻ.
Tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như COP26, COP27, COP28.
Mặt khác, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ USD toàn cầu, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải bền vững). Năm 2023, tổng dư nợ thị trường nợ bền vững toàn cầu đạt 4,16 nghìn tỷ USD và lượng tín dụng và trái phiếu bền vững trong nửa đầu năm 2024 đạt 807 tỷ USD. Việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững cũng đạt mức cao.
"Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình này. Về pháp lý, nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9/2024. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh còn khiêm tốn với khoảng 1,52 tỷ USD (từ 2019 đến tháng 10/2024)" - TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Nêu quan điểm cần song hành kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT cho rằng, các chiến lược hiện tại về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng chỉ giải quyết được 55% lượng khí thải toàn cầu, kinh tế tuần hoàn mang lại giải pháp bổ sung giúp giải quyết 45% lượng khí thải còn lại. Điều này đặc biệt quan trọng khi các lĩnh vực vật liệu chiếm phần lớn lượng phát thải như xi măng, nhựa, thép, nhôm và thực phẩm.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải các-bon ở Việt Nam đòi hỏi phải kết nối các số liệu kinh tế tuần hoàn với tác động của biến đổi khí hậu để tối ưu hóa hiệu quả của các chiến lược giảm phát thải. Thời gian tới, các cơ quan quản lý cần lựa chọn những số liệu phù hợp và xác định mục tiêu, giúp tối đa hóa lợi ích cho biến đổi khí hậu, mang lại tác động tích cực đối với các vấn đề môi trường và kinh tế - xã hội khác, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm và tạo ra việc làm bền vững.