Ảnh minh họa |
Theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Colliers International Việt Nam, bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Số lượng mặt bằng bị trả lại cho chủ khá nhiều và hiển nhiên là không ít các cuộc thương thảo đã diễn ra nhằm mục đích giảm mức giá cho thuê. Do vậy, số lượng mặt bằng cần tìm người thuê mới cũng tăng lên đáng kể, là hệ quả của việc thoái lui hàng loạt, bao gồm cả những thương hiệu.
Quý 4/2020, đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động khiến giá thuê mặt bằng trong nước tiếp đà giảm. Đáng chú ý, giá thuê đã giảm trung bình 10 USD so với mức giá cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, tỷ lệ lấp đầy lại vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá tốt, thậm chí còn cao hơn 1% so với cùng kỳ năm 2019.
“Dữ liệu nguồn cung mới của BĐS bán lẻ cho thấy một diện mạo đầy tươi mới trong quý vừa qua. Đầu tiên, phải kể đến dự án Terra Royal tại quận 3, cung cấp thêm cho phân khúc này diện tích 7.712 m2. Với 7 dự án khác nữa, BĐS bán lẻ có thêm phần diện tích khoảng 50.000 m2. Phần lớn các dự án này hiện diện tại khu vực phía Đông Thành phố, bao gồm: quận 2, quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức”, Colliers International Việt Nam cho biết.
Cũng theo Colliers International Việt Nam, sẽ có 5 dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ được hoàn thành trong năm 2021. Những dự án này sẽ giúp cho phân khúc BĐS bán lẻ có thêm 216.000 m2. Đáng chú ý là việc trung tâm thương mại Socar Shopping Mall tại thành phố Thủ Đức đang được gấp rút hoàn thành vào quý 1 năm 2021. Tiếp theo đó, các dự án khác cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành là Vincom Megamall Grand Park (thành phố Thủ Đức) và Elite Mall (quận 8), giúp cho thị trường bán lẻ có thêm 430.000 m2 mặt bằng.
Dự báo, trong quý đầu tiên của năm mới 2021, đại dịch Covid-19 có thể sẽ được kiểm soát tốt hơn nữa. Thêm vào đó, với tác động của các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam là Liên minh châu Âu (EVFTA), thị trường bán lẻ sẽ có những thay đổi đáng kể với độ “mở” lớn dành cho doanh nghiệp khối EU. Thêm nữa, với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 01/01/2021, khả năng nhiều nhà đầu tư Anh quốc hơn tiến vào thị trường Việt Nam càng trở nên rõ rệt.
Trong đó, không thể không nhắc đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các thành viên ASEAN và 5 nền kinh tế lớn, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ có thể là “trợ lực” giúp BĐS bán lẻ có thêm nhiều nhu cầu thuê và cả nguồn mặt bằng mới trong thời gian tới đây.