Tiếng dân

Tiếp bài huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Có dấu hiệu “găm đất” khiến đất rừng tăng phi mã - Chậm giải phóng mặt bằng, trách nhiệm thuộc về ai?

Quán Dũng 29/05/2024 - 16:59

(TN&MT) - Loạt dự án sinh thái, nghỉ dưỡng được cho là tạo đột phá, sức bật cho ngành du lịch huyện Tân Lạc nói riêng, tỉnh Hoà Bình nói chung nhưng tới nay đang rơi vào cảnh chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Để “giải bài toán này”, chính quyền địa phương từ cấp xã, đến UBND huyện Tân Lạc dường như đang rơi vào trạng thái “bất lực”.

Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng

Trước đó, báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết phản ánh về việc tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, có dấu hiệu của việc mua gom trái phép đất rừng nhằm trục lợi, chờ cơ hội để đẩy giá khi có các dự án du lịch, nghỉ dưỡng được đầu tư, phát triển trên địa bàn. Việc này diễn ra tương đối phức tạp khiến nhiều dự án rơi vào cảnh chậm tiến độ.

Điển hình, địa bàn xã Suối Hoa có 4 dự án sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty Cổ phần V’star Hoà Bình. Ngoài ra, một dự án được chấp thuận chủ trương cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hòa Bình.

6b883f7e-e3dc-485f-b835-389015ce147c.jpg
Dự án của Công ty Hoàng Sơn đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng được 93% và đang triển khai dự án.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, loạt dự án nêu trên được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2017 đến năm 2020; tuy nhiên, việc thực hiện theo chủ trương đầu tư hầu hết không đảm bảo, có dự án chậm tiến độ nhiều năm. Trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hoà Bình (xóm Liếm - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa) do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng do ông Lê Xuân Trường là người đại diện pháp luật được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 27/7/2017 đã chậm tiến độ gần 6 năm.

Dự án này có tổng diện tích thực hiện khoảng 3.049.000 m2 với: Quy hoạch rừng phòng hộ khoảng 2.591.000m2, diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất khoảng 458.000 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Giai đoạn 1 (30 tháng), đến hết tháng 10/2017 thực hiện các thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng; tháng 11/2017 đến tháng 11/2019, đầu tư xây dựng các hạng mục.

Giai đoạn 2 (24 tháng): Từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2019 đầu tư xây dựng khu Resort; tháng 6/2019 hoàn thành dự án đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng mới giải phóng mặt bằng được 67%/trên tổng diện tích dự án.

Một dự án khác là dự án Khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi hoa (xóm Mũ và xóm Nẻ - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa) do Công ty Cổ phần V’Star làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 6/12/2018 tại Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 6/12/2018. Diện tích đất sử dụng là 183,55 ha, trong đó có 142,38ha diện tích đất rừng sản xuất tạo cảnh quan và trồng cây bản địa, diện tích đầu tư hạng mục công trình là 41,17 ha.

Về tiến độ thực hiện dự án: Từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2020 phải thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đất đai, quy hoạch, xây dựng của dự án. Từ tháng 1/2021 đến hết tháng 12/2023 tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị. Từ tháng 1/2024 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo UBND xã Suối Hoa cho biết, Công ty Cổ phần V’star Hòa Bình nhận chuyển nhượng được khoảng 68%/tổng diện tích dự án.

hb2-2-.jpg
Một số dự án tại vùng lõi hồ Hòa Bình thuộc địa phận xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng

Ngày 3/10/2018, UBND tỉnh Hoà Bình có Quyết định số 62/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn, do ông Nguyễn Nam Chung là người đại diện pháp luật thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc) với diện tích đất sử dụng 1.344.108 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Giai đoạn 1 từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019 thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án; từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2021 đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị của dự án; từ tháng 5/2021 hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.

Giai đoạn 2 từ tháng 1/2028 đến tháng 10/2029 đầu tư xây dựng các hạng mục và lắp đặt thiết bị của dự án. Từ tháng 11/2029 hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động. Đến nay, Công ty Hoàng Sơn đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng được 93% và đang triển khai dự án.

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, ngày 18/2/2020 được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 08/QĐ-UBND dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng l629.869,9 m2. Địa điểm thực hiện dự án tại xóm Liếm - Ngòi Hoa, xã Suối Hoa.

Về tiến độ thực hiện dự án: Từ Quý I/2020 đến quý IV/2020 thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án; Từ quý I/2021 đến quý III/2023 đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị; Từ quý IV/2023 hoàn thành đầu tư và đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm mới giải phóng được hơn 10%/tổng diện tích dự án.

hb1-2-.jpg
Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hoà Bình tại xã Suối Hoa mới chỉ thỏa thuận được 9,8 ha/43 ha của tổng dự án.

Còn đối với Công ty TNHH TMDV MiVi Hòa Bình, ngày 29/10/2021 được UBND tỉnh Hoà Bình đồng ý chủ trương cho phép nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng, đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hoà Bình tại xã Suối Hoa, thời hạn 26 tháng nhưng cũng mới chỉ thỏa thuận được 9,8 ha/43 ha của tổng dự án.

Có thế nhận thấy, các dự án đến nay đều rơi vào cảnh chậm tiến độ mà nguyên nhân lớn là do khâu giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, đối với một dự án đã giải phóng mặt bằng đến 93% của Công ty Hoàng Sơn nhưng việc thi công có dấu hiệu chậm chạp, do đó dự án có hoàn thành đúng tiến độ cũng là một dấu hỏi! Trong khi đó, giai đoạn 1 của dự án này theo chủ trương đầu tư thì phải hoàn thành vào tháng 5/2021.

Chính quyền huyện Tân Lạc có “bất lực”?

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đồng - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc cho biết, khó khăn nhất hiện nay của các dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, theo Điều 73 của Luật Đất đai 2013 là việc doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc này hiện không có chế tài. “Đặc biệt là về mức giá, UBND huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể đã vận động bà con ủng hộ các dự án” - ông Đồng nói.

Cũng theo ông Đồng, cấp huyện đã lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, cấp xã cũng lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

hb.jpg
Vùng lõi hồ Hòa Bình thuộc địa phận xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hầu hết đều đang ở trong “trạng thái” chậm tiến độ, hoặc triển khai cầm chừng

Liên quan đến phản ánh về việc chính quyền địa phương có biểu hiện thiếu phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có việc xác nhận bản đồ của UBND cấp xã, vị Phó phòng TN&MT huyện Tân Lạc cho biết: “Chưa có doanh nghiệp nào “kêu ca” việc chính quyền gây khó khăn”.

Đối với việc có dấu hiệu đầu cơ đất đai khu vực các dự án, ông Trần Văn Đồng cho biết, Công an huyện Tân Lạc được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ nắm bắt tình hình, có báo cáo cụ thể. “Chưa có tổ chức nào đứng ra mua gom đất mà giữa người dân với người dân. Có cá nhân mua gom đất và theo tôi nắm được việc này là người ở địa phương mua gom”, ông Đồng thông tin.

Về phương hướng giải quyết việc chậm trong giải phóng mặt bằng, Phó phòng TN&MT huyện Tân Lạc cho biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Sở TN&MT, UBND huyện, TP. Hòa Bình trong đó có huyện Tân Lạc rà soát các dự án chậm tiến độ, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh có hướng chỉ đạo.

Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về việc cán bộ cấp xã có biểu hiện thiếu hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Tân Lạc cho biết sẽ tiếp thu, báo cáo lãnh đạo UBND huyện để có chỉ đạo, kiểm tra kịp thời.

Làm việc với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Tâm – Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Hòa Bình, cho biết: Để nắm được tình hình tổng quan của dự án như về tiến độ, chủ trương đầu tư liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường thì Chi cục Quản lý đất đai mới nắm rõ được. UBND tỉnh đã có yêu cầu các huyện thành lập ban chỉ đạo trong đó có cả Phòng TN&MT, VP ĐKĐĐ, địa chính của xã để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Còn về góc độ chuyên môn của Văn phòng đã chỉ đạo văn phòng ĐKĐĐ huyện Tân Lạc phối hợp, hỗ trợ với các dự án nhận chuyển nhượng phải có chứng nhận quyền sử dụng đất, các trường hợp chưa được cấp quyền sử dụng đất thì phải cấp mới, nếu đủ điều kiện và các trường hợp cấp sai phải cấp đổi để bàn giao cho chủ đầu tư.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Có dấu hiệu “găm đất” khiến đất rừng tăng phi mã - Chậm giải phóng mặt bằng, trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO