Huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Có dấu hiệu “găm đất” khiến đất rừng tăng phi mã?
(TN&MT) - Phản ánh đến Báo Tài nguyên và Môi trường, người dân xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa), huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bức xúc về tình trạng mua gom đất rừng trái phép, khi có dự án thì tìm cách tăng giá để trục lợi. Việc này diễn ra từ lâu và diễn biến phức tạp khiến nhiều dự án chưa thể triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng
Theo quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số và sản phẩm "ngôi nhà thứ hai" theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện. Hòa Bình cũng sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ, du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Với những yếu tố thuận lợi về địa lý, tại huyện Tân Lạc và đặc biệt tại khu vực xã Suối Hoa, loạt dự án sinh thái, nghỉ dưỡng đã xuất hiện, hướng đến phát triển du lịch mạnh mẽ, tận dụng địa hình nằm trong vùng lõi khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, các dự án tại xã Suối Hoa đang rơi vào cảnh chậm tiến độ, hoặc triển khai cầm chừng, nguyên nhân phần lớn là do công tác giải phóng mặt bằng.
Theo UBND xã Suối Hoa cho biết, trên địa bàn xã có 4 dự án sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn hồ Gươm và Công ty Cổ phần V’star Hoà Bình. Và một dự án được chấp thuận chủ trương cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp MIVI Hoà Bình.
Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án này dường như đều gặp nhiều khó khăn với lý do: Có một số người ngoài địa phương đến thu gom đất của các hộ dân với giá cao, có nơi lên đến hằng trăm triệu đồng/ha, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động, thoả thuận với các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, giá đền bù thoả thuận thời điểm trước thấp hơn giá đền bù hiện tại dẫn đến người dân không muốn hợp tác.
Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp phản ánh, chính quyền cấp xã thiếu hợp tác, hỗ trợ, có biểu hiện che giấu thông tin về danh tính các chủ sử dụng đất khiến việc doanh nghiệp đi thoả thuận gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, đến nay đã giải phóng mặt bằng được 79,85 ha/146,6 ha, đạt 79,4% tổng diện tích; Công ty Cổ phần V’star Hoà Bình mới thoả thuận được 102/164,81 ha. Thậm chí, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm mới giải phóng được 7,23 ha/62,98 ha, tương đương 11,4%; Công ty Cổ phần TMDV MIVI Hoà Bình mới thoả thuận nhận chuyển nhượng được 9,8 ha/43 ha của tổng dự án.
Có dấu hiệu thu gom đất rừng trái phép?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng người dân ngoài địa phương đến thu gom đất của các hộ dân, trong đó có đất rừng đã diễn ra tại xã Suối Hoa nhiều năm nay. Hiện nay, giá thu mua 1ha đất rừng tại đây đã được đẩy lên tiền tỷ. Nếu diện tích đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong đó có cả đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm) thì giá còn cao hơn nhiều lần.
Đóng vai người đi mua đất, một người dân tên Hoạt, xóm Nẻ, xã Suối Hoa cho biết, gia đình tôi có diện tích đất gần 2.000m2 bao gồm cả đất rừng, vườn và đất rừng sản xuất nhưng hiện chưa muốn bán. Ông Hoạt giới thiệu cho chúng tôi với một người họ hàng tên Hân đang muốn bán gần 2.000m2 đất tại khu vực xóm Nẻ.
Trao đổi qua điện thoại, ông Hân báo giá khu đất gần 2.000m2 (cũng bao gồm cả đất thổ cư, đất rừng và đất trồng cây lâu năm) hơn 2,2 tỷ đồng. Theo ông Hân, mức giá này còn thấp vì gia đình đang muốn bán luôn, nếu không giá phải cao hơn.
Qua tìm hiểu, phóng viên gặp được ông Bùi V. S. – người dân Ngòi Hoa. Ông S. cho biết, ông là một trong số ít người tại địa phương được nhờ đi gom đất do ông có quan hệ với một cán bộ tại UBND xã Suối Hoa nên thủ tục mua bán sau đó hết sức thuận lợi.
Cũng theo ông S. ngoài các doanh nghiệp đến nhận chuyển nhượng đất để làm dự án hợp pháp, việc người ngoài địa phương đến mua gom đất để chờ cơ hội từ các dự án nghỉ dưỡng, sinh thái diễn ra nhiều năm nay. “Trước đây, người dân bán cho Công ty Hoàng Sơn có khoảng 90 triệu đồng/1 ha đất rừng. Nhưng những năm gần đây, giá của 1 ha đất rừng dao động khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng, nhiều nhà còn chưa muốn bán”, ông S. nói. Sau đó ông S. cho biết thêm: Gia đình cũng có đất ở khu vực Ngòi Hoa không sản xuất, trồng trọt gì nhưng chưa muốn bán vì còn chờ xem giá cả như thế nào.
Ông S. bày cách cho chúng tôi khi mua đất rừng tại đây: Việc mua bán đất sẽ được thực hiện bằng cách làm giấy viết tay với các chủ đất, sau đó nhờ cán bộ địa chính xã làm thủ tục. Tất nhiên, ông S. sẽ làm cầu nối cho người mua đất làm việc với vị lãnh đạo xã kia.
Trao đổi qua điện thoại với cán bộ địa chính xã Suối Hoa, ông Bùi Văn Sản, sau khi nghe ông này chia sẻ thì việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng tại xã Suối Hoa cũng không phức tạp và khó khăn như phóng viên nghĩ. Ông Sản cho biết: Nếu có nguyện vọng chỉ cần gặp ông, chỉ khu đất thực tế muốn mua thì “bàn bạc”.
Khi hỏi về việc đất rừng nếu không có giấy tờ thì mua bán, chuyển nhượng ra sao, ông Sản cho biết: Việc này tùy vào người mua và người dân có đất thỏa thuận. Nếu muốn ra sổ thì làm cho người dân có đất trước, sau đó sang tên cho người mua.
Như vậy, có thể thấy, việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng tại xã Suối Hoa rất dễ dàng. Trong khi đó, có việc cá nhân mua gom đất, rồi đẩy giá “tăng nóng” chờ dự án đã diễn ra suốt một thời gian dài nhưng dường như việc ngăn chặn, xử lý còn bị “bỏ ngỏ”.
Luật sư đề nghị làm rõ về tình trạng đầu cơ đất
Để khách quan thông tin, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Bùi Văn Mùi – Chủ tịch UBND xã Suối Hoa, ông Bùi Văn Sản – Cán bộ địa chính xã.
Theo Chủ tịch UBND xã Suối Hoa, trên địa bàn xã có 4 dự án sinh thái, nghỉ dưỡng được chấp thuận chủ trương đầu tư và hầu hết đều đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Duy nhất có dự án của Công ty Hoàng Sơn đang triển khai nhưng hiện nay cũng “chưa sạch” mặt bằng.
Qua hồ sơ do UBND xã Suối Hoa cung cấp, có thể thấy một số dự án đang chậm tiến độ như dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty Cổ phần Lạc Hồng, mặc dù giai đoạn 1 của dự án phải đưa vào hoạt động vào tháng 5/2021. Tuy nhiên đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn của dự án này.
Trong cuộc làm việc, cán bộ địa chính xã Suối Hoa cho biết, việc quản lý đất đai tại địa phương dựa vào bản đồ địa chính. Đối với các diện tích đất không có giấy tờ chứng minh thì cần dựa vào đo đạc, làm việc với đại diện khu dân cư để xác định chủ.
Liên quan đến việc giá đất rừng “tăng nóng” trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp người dân không chấp nhận với thỏa thuận để chuyển nhượng đất rừng cho dự án… theo ông Bùi Văn Sản có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể do người dân chưa yên tâm về vấn đề an sinh xã hội, sinh kế sau khi chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Ông Sản cũng cho rằng không “phát hiện” thấy có cá nhân mua gom đất rừng mà chỉ “nghe nói” - điều này lại trái ngược hoàn toàn với những gì phóng viên tìm hiểu cũng như trao đổi với ông Sản qua điện thoại trước đó.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Hiện nay giá đất nói chung vẫn đang trên đà tăng chóng mặt. Thực tế việc giá đất ở tại các khu vực trung tâm, các thành phố lớn tăng cao do nhu cầu sử dụng của người dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, tại các địa phương khác cũng diễn ra tình trạng đầu cơ, thổi giá làm giá đất, bất động sản tăng nóng gây bất ổn cho thị trường.
Tại một số khu vực có dự án thì giá bất động sản hiện nay tăng gấp hàng chục lần giá trị thực, không chỉ có đất thổ cư mà đất rừng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chúng ta cần hiểu rằng, đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn, trong khi dân số nước ta ngày càng đông. Việc các cá nhân, tổ chức đầu cơ tích trữ nguồn tài nguyên này để trục lợi hiện nay vẫn diễn ra hàng loạt, gây nên ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương nơi có đất.
Đấy là chưa nói đến các “cò đất” liên tục thâu tóm thị trường, đầu cơ bất động sản trong khi người dân địa phương không có đất hoặc phải mua đất với giá trị rất cao, lớn hơn gấp nhiều lần giá trị thực. Cũng có nhiều trường hợp người dân do không am hiểu thị trường cũng như quy định pháp luật đã ồ ạt đầu tư mua bất động sản khi có tin tức rằng khu vực đó chuẩn bị có dự án gây nên các “Bong bóng” về giá đất. Giá cả được thổi phồng lên vượt xa giá trị thực trong khi nhiều địa phương đang “sống dở chết dở” khi người đầu tư vào đất nhưng khi mua xong thì đất không thể bán được hoặc dự án có sự thay đổi dẫn đến “bong bóng” bị vỡ.
Luật sư Nguyễn Thị Trâm cho rằng, với tình trạng như hiện nay các cơ quan quản lí nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp siết chặt quản lí về đất đai, tránh trường hợp một số cá nhân vì trục lợi mà đầu cơ, gây nhũng nhiễu thị trường. Tại các địa phương có đất rừng, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyên truyền vận động cũng như phổ biến quy định pháp luật liên quan đến đất rừng và khai thác tài nguyên rừng cho người dân.
Trước sự việc trên, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm vụ việc.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.