Thúc đẩy thị trường carbon và phát triển xanh
(TN&MT) - Tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), Quốc hội cho phép Đà Nẵng triển khai thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đây là cơ chế, chính sách rất mới và là nguồn lực rất quan trọng để thành phố Đà Nẵng phát triển xanh. Đồng thời, thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam.
Bài 1: Bức thiết giảm phát thải carbon
Năm 2024 đi qua với những con số báo động về diện, cường độ và thiệt hại do thiên tai gây ra, cao gấp nhiều lần những năm trước đó. Điều này đang đòi hỏi sự chung tay hành động giảm phát thải carbon, kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
“Ấm lên toàn cầu” làm gia tăng cường độ thiên tai
Ắt hẳn, trong điều kiện bình thường, nhiều người không cảm nhận được hoặc cảm nhận được rất nhỏ về sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu, tăng khoảng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng cảm nhận rõ sự thay đổi của nhiệt độ cực trị (cực ấm và cực lạnh), khi có những thời điểm, trời rét hơn hoặc ấm hơn. Tác động của ấm lên toàn cầu hay nói cách khác là biến đổi khí hậu không chỉ làm cho nền nhiệt độ không khí ấm hơn và lạnh hơn, mà còn làm gia tăng mưa cực đoan, cường độ bão mạnh, sự dâng cao của mực nước biển...

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng: “Ấm lên toàn cầu là một trong những yếu tố chính làm cho thời tiết, khí hậu, thiên tai trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng trở nên bất thường và khác biệt. Năm 2024, nước ta đã trải qua một đợt nắng ấm kỷ lục với thời gian kéo dài 70 ngày ở khu vực Đông Nam Bộ vào tháng 3 và 4/2024; trong tháng 4/2024 cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất đến 44oC, vượt mức lịch sử tại tỉnh Quảng Trị.
Nguy hiểm nhất là bão số 3 (Yagi) gần như bao phủ toàn bộ các tỉnh phía Bắc và thậm chí hoàn lưu còn ảnh hưởng khu vực Bắc Trung Bộ gây gió mạnh, lần đầu tiên trên đất liền Việt Nam quan trắc được gió giật cấp 17 và gây mưa lớn trên diện rộng, lũ lớn trên các sông, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi và diễn ra trong nhiều ngày. Đó là tính chất bất thường, khác biệt của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Ngay đầu năm 2025, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã phải ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất trong 25 năm qua ở bãi biển Mỹ Khê, nơi từng được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 4 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Những năm qua, thành phố động lực của miền Trung và có cơ sở hạ tầng, đô thị hiện đại này cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là sự gia tăng về cường độ các loại hình thiên tai như: bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, sạt lở bờ biển... dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt là trận mưa lớn lịch sử xảy ra vào tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Rõ ràng, thời tiết đang có biến đổi phức tạp hơn so với dự báo, điều này được thể hiện qua các biểu hiện dị thường của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Vì vậy, việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, với sự đồng hành hợp tác, chung tay của các tổ chức trong và ngoài nước, của doanh nghiệp và người dân.
Trung hòa carbon, giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở ngưỡng 1,5oC
Nhận định về xu thế các hình thái thời tiết có khả năng xảy ra trong năm 2025, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, với nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, nước ta sẽ phải đối mặt với nắng ấm gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và siêu bão khả năng xuất hiện ngày càng nhiều hơn... Việt Nam cần chuẩn bị về mọi mặt để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai cực đoan.
Khí nhà kính (CO2, CH4, N2O..., đặc biệt là CO₂) là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu, từ đó gây ra biến đổi khí hậu, thiên tai và suy thoái môi trường. Cuối năm 2021, hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Scotland (Vương quốc Anh) đã tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải carbon (CO2) vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về “0” vào vào năm 2050 (Net Zero)...

Thông tin về vấn đề này, ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT trước đây nay là Bộ NN&MT) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với các hiện tượng như nước biển dâng, thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Hiện tại, hơn 140 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã cam kết hoặc đặt mục tiêu Net Zero Vì vậy, đầu tư xanh và tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero.
“Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện sớm và cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp”- ông Đoàn Trường Giang nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Võ Nguyên Chương cho rằng, tuy Việt Nam là một quốc gia có lượng phát thải carbon thấp, nhưng đã thể hiện trách nhiệm rất cao với cộng đồng quốc tế khi là một trong quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện Đà Nẵng đã và đang nỗ lực không ngừng để chung tay hành động vì mục tiêu trung hòa carbon.
Tại Việt Nam, năm 2024, thiên tai đã làm 519 người chết và mất tích, cao gấp 3 lần so với năm 2023 và gấp 2,47 lần trung bình 10 năm từ năm 2014 - 2023 và 2.212 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2024 khoảng 89.089 tỷ đồng, cao gấp 9,5 lần so với năm 2023 và gấp 4,2 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023.
Bài 2: Kiểm kê khí nhà kính - biện pháp giảm phát thải carbon