Chuyển đổi Xanh

Việt Nam từng bước phủ xanh ngành giao thông

Hoàng Hiền 05/12/2024 - 12:16

(TN&MT) - Phát triển giao thông đường bộ xanh ngày càng trở nên cấp thiết trong hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam bởi đây là một trong những ngành có nguồn phát thải lớn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy giao thông xanh chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cụ thể hóa đô thị xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm nguồn hấp thụ khí thải; giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ứng phó hiệu quả với thiên tai; giúp quản lý hiệu quả tài nguyên khai thác từ tự nhiên... nâng cao chất lượng sống xanh.

Còn nhiều thách thức

Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh, do đó, đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Vậy những thách thức nào đang đặt ra đối với ngành giao thông vận tải trong quá trình phát triển giao thông xanh?

Đánh giá về tình hình giao thông tại Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, điểm đặc trưng là phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Gần 95% nhu cầu năng lượng trong ngành giao thông đến từ nhiên liệu hóa thạch. Ngành giao thông phát thải khí nhà kính lớn, chiếm tới gần 24% tổng lượng khí nhà kính cả nước. Để đạt cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã thúc đẩy phát triển giao thông xanh thông qua các chiến lược, chính sách và chương trình hành động quốc gia.

637304219316324836-hug-9186-jpg.jpg

Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… chính là
tham gia giao thông xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các chính sách trợ giá và hỗ trợ lãi suất để phát triển xe điện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rào cản nhất định như việc người tiêu dùng còn lo ngại về giá thành xe điện cao, vấn đề pin, trạm sạc. Doanh nghiệp vận tải thì lo lắng về chi phí đầu tư lớn, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ. Việc huy động nguồn lực để đạt Net Zero như cam kết là thách thức rất lớn. Ngoài nguồn lực trong nước, cần khơi thông để huy động nguồn lực quốc tế. Các đối tác đã có cam kết, sẵn sàng hỗ trợ nhưng chúng ta phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực trên cơ sở đáp ứng điều kiện nhất định...

Giao thông xanh phủ nhiều tỉnh, thành

Nhằm bắt kịp xu hướng xanh hóa của thời đại, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu có những bước tiến trong công cuộc xanh hóa ngành giao thông.

Các đô thị lớn, như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chú trọng phát triển giao thông xanh với việc đưa hệ thống xe buýt điện vào hoạt động, được đông đảo người dân hưởng ứng. Các địa phương này đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong thời gian tới, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh...

Mới đây, TP. Huế đã thí điểm triển khai mô hình xe đạp chia sẻ công cộng với 20 trạm ở tại địa phương, bình quân 10 - 20 xe/trạm; mô hình sử dụng xe điện phục vụ tham quan các điểm di tích… Tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM) đã ra mắt dịch vụ taxi điện đầu tiên tại địa phương với gần 250 chiếc GreenCar.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đang tích cực triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh trên địa bàn tỉnh, với trọng tâm là phát triển hệ sinh thái giao thông xanh bằng xe điện.

download-1-.jpg
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh trên địa bàn tỉnh Bình Định

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như thương mại dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin...

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết, Vingroup sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy Du lịch xanh, Công nghiệp xanh, Nông nghiệp xanh, Hạ tầng đô thị xanh, Giao thông xanh và Lối sống xanh tại Bình Định. Mục tiêu hướng tới của cả hai bên là giảm phát thải ròng về “0” và phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân theo hướng bền vững.

Cũng trên con đường chuyển đổi xanh như tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh. Lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”, hướng tới mục tiêu khai thác tối đa thế mạnh mỗi bên để thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại địa phương, góp phần giảm phát thải ròng về “0”.

download.jpg
Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, xây dựng Chương trình Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi xanh bao gồm Du lịch xanh, Công nghiệp xanh, Nông nghiệp xanh, Hạ tầng đô thị xanh, Giao thông xanh, Lối sống xanh.

Đồng thời, thúc đẩy, đồng hành cùng chương trình Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh do Vingroup phát động thông qua các hành động cụ thể như nghiên cứu, giới thiệu các vị trí lắp đặt trạm sạc; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, công chức, viên chức trong tỉnh chuyển đổi xanh sang sử dụng ô tô điện, xe máy điện; ưu tiên người Việt dùng hàng Việt chất lượng cao; từng bước thúc đẩy du lịch và di chuyển thân thiện với môi trường.

UBND tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, triển khai phương án sử dụng xe buýt điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo quy định tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tương lai gần cho giao thông xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, giao thông xanh được xem như “cứu tinh” cho Trái đất. Tuy nhiên, bài toán giao thông xanh là thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tại tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” (Tuần lễ khoa học VinFuture 2023), GS. Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh) dự báo, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi. Đồng thời, tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới.

053e502c4583702eebb8ebaabf40ba82.jpg
Xe buýt điện Vinbus – phương tiện vận tải công cộng xanh

Các nhà khoa học dự báo, sự bùng nổ vật liệu sẽ tạo ra nguồn năng lượng xanh dồi dào, nhưng cũng đặt ra vấn đề về cơ sở hạ tầng. Để phát triển giao thông xanh, các quốc gia như Việt Nam cần đề ra chương trình và lộ trình cụ thể để phát triển giao thông xanh trong thời gian tới; cụ thể hóa các giải pháp về chính sách; đưa ra biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông, hướng người dân đến với vận tải công cộng... để người dân, doanh nghiệp không ngần ngại khi chuyển đổi sang giao thông xanh, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Việt Nam có thể bắt đầu từ mô hình trạm sạc quy mô nhỏ, hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên... để giao thông xanh không còn là kịch bản xa vời mà sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam từng bước phủ xanh ngành giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO