“Mỏ vàng” rác thực phẩm
Các sản phẩm từ xơ dừa, vỏ dứa đến bã cà phê...được xem là rác thực phẩm, đang mở ra cơ hội mới trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Tiềm năng từ rác thực phẩm
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm có khoảng 1/3 thực phẩm toàn cầu bị thất thoát hoặc lãng phí, tương đương 1,03 tỷ tấn. Rác thực phẩm không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn phát thải 3,3 tỷ tấn CO2, chiếm 7% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính tổng lượng thực phẩm thất thoát từ chuỗi cung ứng đạt 5,75 triệu tấn/năm, tương đương 60% lượng chất thải rắn.
Tuy nhiên, rác thực phẩm không chỉ là vấn đề mà còn là cơ hội. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy giá trị kinh tế từ các phụ phẩm nông nghiệp và rác thải thực phẩm, biến chúng thành các sản phẩm giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Tái chế Cà phê Lộc Nhân, cho biết, từ bã cà phê, công ty đã phát triển các sản phẩm như viên nén làm chất đốt và dung dịch khử mùi.
Theo ông Lộc, dạng sản phẩm viên nén dễ xuất khẩu nhưng dung lượng thị trường không lớn. Trong khi đó, nhu cầu về dung dịch khử mùi cao song đây là sản phẩm mới, chưa được phân loại nên thủ tục xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Do đó, công ty đang phát triển sản phẩm viên nén từ bã cà phê để làm chất đốt với thị trường lớn hơn. “Năm 2025, công ty dự kiến xuất khẩu lô sản phẩm quà tặng từ viên nén bã cà phê sang Singapore, cùng chế phẩm khử mùi sang Đức và Mỹ. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong việc tận dụng rác thực phẩm mà còn góp phần đưa thương hiệu Việt ra thế giới”, ông Lộc chia sẻ.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường sản phẩm tái chế, 5 năm qua, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech đã tái chế khoảng 1.000 tấn vỏ quả dứa để sản xuất thành dung dịch rửa chén, rửa tay, lau sàn, nước giặt, nước rửa rau - củ - quả...
Ông Đàm Văn Tính, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech cho hay, các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên mang nhãn hiệu Fuwa3e đã đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao và được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Trung Quốc thông qua sàn thương mại điện tử như Amazon, Taobao.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng xây dựng các địa điểm refill (mô hình cửa hàng làm đầy) để khách hàng mang chai, hũ, hộp... tới nạp thêm sản phẩm từ các bình chiết, thùng chứa lớn. Điều này vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí so với việc mua chai đóng sẵn vừa bảo vệ môi trường.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, trong chuyển đổi xanh, bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nước thải thì yếu tố sản xuất tuần hoàn là rất quan trọng. Hiện nay một số doanh nghiệp khi sản xuất cà phê đã tận dụng vỏ cà phê để làm phân bón hay những nguyên liệu phụ. Hay như trong lĩnh vực thủy sản, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng nguồn phụ phẩm từ cá, tôm để sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
“Chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về từ 4-5 tỷ USD - một giá trị khá lớn”, bà Chi cho biết.
Mặc dù vậy, bà Chi cho rằng, việc khai thác giá trị từ rác thực phẩm tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, đặc biệt là trong việc phát triển công nghệ tái chế. Ngoài ra, khung pháp lý cho các giải pháp tái chế và quản lý chất thải chưa thực sự đồng bộ.
Đồng quan điểm TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn ICED, cho rằng, để biến rác thực phẩm thành "mỏ vàng" thực sự, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí, bảo vệ môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Cũng theo ông Quân, Chính phủ, các địa phương cần xây dựng các chính sách ưu đãi thuế và tiêu chuẩn sản xuất bền vững để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị tuần hoàn. Đồng thời, việc hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ chuyển đổi xanh, quỹ tăng trưởng xanh cũng cần được nghiên cứu và triển khai. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sản xuất tuần hoàn.
"Bên cạnh ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, đầu tư xanh, cần hỗ trợ về tài chính thuế, phí, lãi suất, chi phí xác nhận xanh nếu có... cho các sản phẩm, dịch vụ xanh. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu thành lập quỹ chuyển đổi xanh, quỹ tăng trưởng xanh" - TS. Nguyễn Hồng Quân khuyến nghị.