Ngày 1/9, Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết phương án xử lý các dự án chậm tiến độ theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh.
Theo đó, đến cuối tháng 8/2019 có 12/24 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, trong đó Cơ quan quản lý đầu tư đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 9 dự án, nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của 3 dự án.
Một số dự án tuy nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh vẫn không có động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động như Dự án sản xuất và kinh doanh các loại nhà lắp ghép của Công ty TNHH Quốc tế Kugler; Nhà máy sản xuất kết cấu thép Phú Bài của Công ty TNHH Sản xuất TMDV Kim Nguyên; Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 3 của Công ty TNHH ACE VINA Constructions (Hàn Quốc). Những dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xem xét chấm dứt hoạt động dự án nếu nhà đầu tư vẫn không động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Đối với 29 dự án chậm tiến độ, giám sát đặc biệt, đến nay nhiều dự án đã có những chuyển biến tích cực, được nhà đầu tư tập trung nguồn lực thực hiện và cam kết sớm đưa dự án vào hoạt động. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như Nhà máy ván nhân tạo MDF Ý Mỹ của Công ty MDF Ý Mỹ; Dự án Xây dựng cải tạo và mở rộng Khách sạn Thuận Hóa của Công ty Cổ phần TMDV Thuận Phú; Dự án Bến số 3 - Cảng Chân Mây của Công ty TNHH Hào Hưng Huế; Dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô của Công ty TNHH Trùng Phương - Lăng Cô; Dự án Nhà máy sản xuất ô tô thống nhất Huế - Phú Bài của Công ty Cổ phần Cơ khí Thống Nhất; dự án Khai thác đất làm vật liệu san lấp của Công ty TNHH Hùng Đạt. Bên cạnh đó, do nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai,05 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động.
Đối với 26 dự án thuộc diện đôn đốc tiến độ thực hiện, trong quá trình giám sát, đôn đốc tiến độ, đến nay nhiều dự án đã tích cực được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và đi vào hoạt động theo tiến độ cam kết.
Cụ thể, Dự án Nhà máy sinh dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO của Công ty TNHH sinh dược phẩm Hera đã đi vào hoạt động tháng 4/2018. Dự án Nhà máy sản xuất frit của Công ty Cổ phần Frit Huế đã hoạt động trong năm 2018. Dự án Nhà máy may thứ 3 của Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế đã hoạt động tháng 9/2017, sớm hơn so tiến độ đăng ký. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản PHENIKAA Huế đã chính thức hoạt động Quý I/2019. Dự án sản xuất và gia công các loại sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Lee&Park Wood Complex và Dự án Nhà máy may thứ tư của Công ty Cổ phần dệt may Hương Phú đã hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1, đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để triển khai giai đoạn 2. Bên cạnh đó, 4 dự án đã được thu hồi do nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện.
“Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục xem xét tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động khoảng 12 dự án, bao gồm 5 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi; 7 dự án thuộc danh mục dự án cần giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ thực hiện. Đối với các dự án còn lại, Cơ quan quản lý đầu tư tiếp tục rà soát, làm việc với các nhà đầu tư để tham mưu báo cáo UBND tỉnh kịp thời...”- bà Trâm thông tin.
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát, tìm kiếm địa điểm phù hợp để triển khai xây dựng thông tin tiêu chí, tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố thông tin kêu gọi đầu tư dự án, chú trọng vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, giáo dục, văn hóa, y tế.
Thời gian qua, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường cũng đã phản ánh nhiều lần tình trạng các dự án “treo” tại Thừa Thiên Huế, nhất là những dự án tại trung tâm TP. Huế và khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô gây lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi tiếp nhận thông tin cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý...