Thừa Thiên - Huế: Quyết thu hồi khu du lịch bỏ hoang, kinh dị

09/01/2016 00:00

  Sau 8 năm mua lại khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Cty Haco Huế không có bất kỳ động thái đầu tư khiến khu du lịch rộng hàng...

 

Sau 8 năm mua lại khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Cty Haco Huế không có bất kỳ động thái đầu tư khiến khu du lịch rộng hàng chục hecta trở thành bãi hoang tàn, đổ nát, như bối cảnh trong phim kinh dị, ám ảnh cho bất kỳ ai đặt chân đến đây.

Năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao một phần khu rừng thông cảnh quan Thiên An và hồ nước Thủy Tiên cho Cty Du lịch Cố Đô (khi đó là doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Thừa Thiên - Huế) đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thủy Tiên. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, xây dựng trung tâm vui chơi giải trí với tổng số tiền hơn 70 tỉ đồng, gồm các công trình chính như nhà thủy cung, công viên nước, vườn thần tiên và trò chơi nước trên hồ Thủy Tiên, trung tâm mở cửa đón khách vào tháng 6.2004. Đến năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bán khu du lịch này cho Cty Haco Huế (một nhà đầu tư Hà Nội) với giá 40 tỉ đồng, thời hạn đầu tư khai thác 50 năm. Tuy nhiên, kể từ ngày mua cho đến nay, nhà đầu tư này gần như không đầu tư gì vào khu du lịch này. Khách ế ẩm, các hạng mục công trình xuống cấp và bỏ hoang nhiều năm nay.

Nhà thủy cung hình con rồng ôm quả cầu nằm giữa khu hồ nước xanh biếc nay xuống cấp nghiêm trọng, cửa ra vào hư hỏng, rêu mốc, trần nhà toang hoác, vôi vữa, rác bẩn vương vãi khắp các lối đi. Những ngôi biệt thự phía nam khu hồ xây dựng dở dang cũng bị bỏ hoang giữa cây bụi um tùm. Công viên nước, “thế giới ảo”, khu trình diễn nhạc nước đều chung cảnh hoang tàn, đổ nát. Trung tâm vui chơi giải trí này chẳng khác nào bối cảnh của một bộ phim kinh dị. Bà Bé (người bán nước, giữ xe tại đây) lắc đầu ngao ngán nói: “Bốn, năm năm nay họ có làm gì đâu. Tiền chục tỉ phơi sương phơi nắng thành ra thế này, rất hoang phí”. Và dù đã dừng hoạt động, chủ đầu tư vẫn bố trí 6 bảo vệ túc trực làm nhiệm vụ bán vé (10.000 đồng/vé) cho những ai vào ngắm rừng thông, chụp ảnh.

Sau nhiều cuộc làm việc, Cty Haco Huế xác nhận với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế rằng không còn sức đầu tư nữa và sẽ trả lại cho tỉnh. Tuy nhiên, tài sản trên đất bị đem “cắm” vào nhiều ngân hàng, “lãi mẹ đẻ lãi con” với số tiền lên đến hơn 50 tỉ đồng, trong khi giá trị tài sản thực tế không còn sử dụng được, đây là vướng mắc lớn trong việc thu hồi dự án này. Ngoài ra, do trước đây dự án giao cho Cty nhà nước và không có giấy chứng nhận đầu tư nên phải thực hiện thêm bước nữa là thu hồi đất.

Ông Phan Thiên Định - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Tỉnh vẫn có thể thu hồi dự án, nhưng phải chờ thời gian rất lâu, trong khi họ đã khẳng định là không làm được. Nhà đầu tư mới nhảy vào phải trả tiền đền bù thì không ai dám vào cả và cũng không thể thu hồi mà không đền bù cho ai được. Trường hợp xấu nhất, tỉnh có thể bỏ tiền ra đền bù nếu kinh phí hợp lý. Sở đã làm việc với các chủ nợ, tới đây sẽ cho định giá lại tài sản, chốt phương án bồi thường”.

Thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư vào dự án này cũng đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện, nhưng hầu hết nhà đầu tư đều băn khoăn về đầu ra sản phẩm. “Nếu đóng khung để nhà đầu tư làm resort thì quá dễ, nhưng tỉnh vẫn tuân thủ nguyên tắc từ trước đây là tạo ra khu vui chơi giải trí cho cộng đồng, phần còn lại dành cho nhà đầu tư, nhưng không thiên về dự án bất động sản, sử dụng đất quá mức” - ông Định nói và cho biết, mục tiêu sẽ xử lý thu hồi dứt điểm dự án trong năm nay. 

Theo Lao Động

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Quyết thu hồi khu du lịch bỏ hoang, kinh dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO