Thừa Thiên Huế: Ô nhiễm làng nghề truyền thống nấu rượu nuôi heo

02/02/2015 00:00

(TN&MT) - Quá trình chăn nuôi diễn ra ồ ạt, thiếu quy hoạch, nước thải được xả thẳng trực tiếp ra môi trường gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời...

   
(TN&MT) - Hơn 90% hộ dân ở làng Dương Sơn, xã Hương Toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế nấu rượu tận dụng hèm (bã rượu) kết hợp với chăn nuôi heo là nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi diễn ra ồ ạt, thiếu quy hoạch, nước thải được xả thẳng trực tiếp ra môi trường gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt tại vùng quê.
   
Kênh mương liên xóm, nơi nước thải được xả trực tiếp ra môi trường từ các hộ dân nuôi lợn
    
         
Môi trường ô nhiễm trầm trọng
   
  Tuyến mương đất chạy dọc song song đường làng Dương Sơn dài hơn 1km có màu nước đen đậm đặc hòa lẫn các loại rác thải, ruồi muỗi vây quanh và mùi hôi thối bốc lên từ tuyến mương rất khó chịu. Không chỉ tuyến mương mà nối giữa các xóm cũng có những đường mương ô nhiễm tương tự. quá trình thực tiễn, nhiều ý kiến người dân trong thôn đều cho rằng vì đây là “làng nấu rượu nuôi heo” nên cảnh tượng như thế này đã thành quen mắt.
   
  Ông Trần Minh, trú tại xóm 2, thôn Dương Sơn, xã Hương Toàn, trãi lòng nói: “Hầu hết người dân trong thôn đều nấu rượu kết hợp nuôi heo, nước thải được người dân xả ra ngoài theo các con mương liên xóm rồi chảy ra ngoài mương chạy dọc làng. Mùa mưa, nước trên đồng chảy xuống làm loãng đi chất thải nên ít hôi. Vào mùa nắng, nước đen khì phía trên đọng lại một lớp phân dày đặc, buổi tối khi có gió nồm thổi vào hôi kinh khũng, tình trạng này diễn ra cũng nhiều năm rồi”.
  Lượng nước thải, chất thải từ các hộ chăn nuôi được thải trực tiếp ra môi trường không có lối thoát, ứ đọng tại các con mương trong thôn và nhiều nơi trong khu dân cư, khu đất sản xuất. Không chỉ chứng kiến cảnh ô nhiễm môi trường dọc các đường liên thôn, đến gần các trại nuôi lợn của nhiều hộ dân tình trạng chất thải được xả lênh láng ra vườn hè là đều không có gì ngạc nhiên. Bác Phan Văn Phu ở xóm 8 và những hộ lân cận nuôi mỗi lứa chừng 20 con lợn, nhưng vì lượng chất thải ứ động lâu ngày, nên nhiều ao nước phải dùng đất, cát để lấp đầy.
   
  Ông Trần Công Nhuận - Trưởng thôn Dương Sơn xã Hương Toàn cho biết: Dương Sơn hiện có 95% trong tổng số 218 hộ nấu rượu và có đến 85% hộ chăn nuôi heo. Hộ nhiều nhất lên đến 70- 80 con, hộ nuôi thấp nhất chừng 15 con. Ngoài ra có những hộ nuôi quy mô lớn lên tới cả 100, 150 con. Phần lớn các hộ gia đình có chăn nuôi heo đều xây hầm biogas. Tuy nhiên, do lượng nước thải quá lớn từ hầm rút tràn ra ngoài kết hợp các chất cặn bả khác đã làm cho môi trường xung quanh ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Tuy biết rất xấu, rất bẩn, nhưng chẳng thể làm gì được. Cả thôn nhà nào cũng nuôi heo, đều xả chất thải thì ai nói được ai. Bà con chỉ còn cách trong chờ vào dự án cải thiện môi trường để nhà nước và nhân dân cùng chung tay làm.
   
  Hầu hết các hộ dân ở Dương Sơn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm   ngày càng nghiêm trọng mà chưa thể nào tìm ra được giải pháp. Mùa mưa, người dân phải đối mặt với cảnh nước thải từ các mương đất hở ngập tràn lênh láng lên mặt đường đi, vừa nhếch nhác, bẩn thỉu, vừa dễ sinh các bệnh ngoài da. Về mùa hè, không khí từ khắp các xóm đều rất ngột ngạc, nồng nặc mùi hôi khó chịu. Ruồi, muỗi, côn trùng phát sinh vô số kể, dịch bệnh vẫn thường xảy ra và dễ lây lan.
   
Kênh mương chạy dọc song song với đường thôn Dương Sơn có màu nước đen đặc, chất thải đóng dày trên mặt nước
    
           
Cụt đường thoát, cần giải pháp
   
  Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, họp thôn, người dân và chính quyền thôn đều đề xuất nguyện vọng lên cấp trên hỗ trợ kinh phí để xây đường mương kín bằng bê tông kèm theo các kè, cống thoát. Người dân trong thông đều thống nhất sẵn sàng đóng góp xây dựng hệ thống thoát nước thải theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu, nếu có tiền xây dựng hệ thống mương thoát cũng không biết thoát theo đường nào.
   
  Nhiều hộ dân đề xuất xin thuê ở những khu đất khó canh tác trồng trọt để chăn nuôi độc lập, nhưng do vị trí không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh môi trường nên chính quyền địa phương chưa thể giải quyết được. Không có vùng nuôi độc lập, nên để hạn chế ô nhiễm, nhiều hộ nuôi quy mô lớn nằm xen ghép trong dân phải giảm dần số lượng; có hộ nuôi rất hiệu quả phải đi thuê đất, mua đất ở địa phương khác để lập trại nuôi lợn.
   
  Theo diễn giải của Trưởng thôn Dương Sơn, trước đây, giữa các xóm đều có những đường mương, ao hồ và đường nước ra sông, qua một thời gian dài công tác quản lý xây dựng bị bỏ ngõ, nhiều hộ dân làm nhà, xây thành, đổ đất nâng nền đã bồi lấp nhiều ao hồ, cống rãnh, khiến nước thải trong khu dân cư không có lối thoát. Thậm chí có một cách trổ đường mương băng qua một thôn khác trước khi ra sông thì thôn này không đồng ý vì ảnh hưởng môi trường ô nhiễm.
   
  Theo ông Phạm Hữu Thường - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Trà, với mật độ chăn nuôi và số lượng con nuôi trong dân quá lớn, cộng với việc xử lý môi trường không đảm bảo, nên tình trạng ô nhiễm ở Dương Sơn ngày càng bức bách, mức độ càng tăng lên. Để sớm giải quyết thực trạng này, bằng cách nào đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với người dân nghiên cứu, thiết kế và kêu gọi nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và quy hoạch vùng chăn nuôi độc lập.
   
  Nấu rượu kết hợp nuôi heo đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng quê thôn Dương Sơn. Thế nhưng, trước tình trạng chăn nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch, bí đường thoát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây. Trước tình trạng môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, chính quyền địa phương, ban ngành liên quan cần có giải pháp kịp thời tránh tình trạng ô nhiễm kéo dài.
   
Bài & ảnh: Viết Toàn
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Ô nhiễm làng nghề truyền thống nấu rượu nuôi heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO