Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có 6 KCN gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47 ha.
Trong đó, chỉ có KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy) là có nhà máy xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh. KCN Phú Bài giai đoạn 1,2 có diện tích 185 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, trạm xử lý nước thải tại đây có công suất 6.500 m3/ngày đêm. Hiện nay, KCN này đang mở rộng giai đoạn 3,4 với tổng diện tích 463 ha. Những KCN còn lại đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại Thừa Thiên – Huế, chỉ có KCN Phú Bài (ảnh) được đầu tư nhà máy xử lý nước thải |
Được biết từ năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, tối đa không quá 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nào tiếp cận được nguồn kinh phí này. Nguyên nhân các KCN thu hút doanh nghiệp, nhà máy… vào hoạt động sản xuất đạt tỷ lệ thấp khiến các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Như KCN Phong Điền (huyện Phong Điền) được thành lập từ năm 1998, có tổng diện tích quy hoạch rộng 700 ha, gồm khu A, B, C, Viglacera. Hiện nay, khu C mới có 3 nhà máy hoạt động, khu B có 1 nhà máy hoạt động, khu Viglacera mới thu hút được 1 dự án, khu A chưa có nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp.
KCN Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) có diện tích quy hoạch phê duyệt là 126 ha, mới thu hút nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 37 ha và đang có 2 nhà máy hoạt động. KCN La Sơn (huyện Phú Lộc) quy hoạch 300 ha, mới có một nhà đầu tư hạ tầng xây dựng 120 ha và đang có 2 nhà máy vận hành. KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) và Phú Đa (huyện Phú Vang) chưa có nhà đầu tư hạ tầng.
Không có hệ thống xử lý nước thải làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương, cũng như môi trường sinh thái bền vững xung quanh khu công nghiệp. Do quá trình hoạt động nhiều nhà máy đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư gây bức xúc cho người dân địa phương.
Từng bước tháo gở
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đốc thúc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải sớm xây dựng hoàn chỉnh trạm xử lý nước thải tập trung trong năm 2022 để đảm bảo theo quy định pháp luật.
Một số KCN ở Huế chỉ là những bãi đất trống, không có dự án nào. Trong ảnh là KCN Quảng Vinh |
KCN Tứ Hạ dự kiến hoàn thành trạm xử lý nước 500 m3/ngày đêm vào quý IV/2021. KCN La Sơn dự kiến đưa vào hoạt động trạm xử lý nước 3.000 m3/ngày đêm vào quý II/2022.
KCN Phong Điền theo kế hoạch sẽ có 2 trạm xử lý nước thải tập trung đầu tiên nhưng do vướng các lý do như dịch bệnh, khảo sát nên vẫn chưa “thành hình” hệ thống xử lý nước thải tập trung nào. Dự kiến trong năm 2022, KCN Phong Điền ở khu C và khu Viglacera sẽ triển khai thủ tục đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm và trạm 2.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành quý II/2022.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, phần lớn KCN đang khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, bởi chưa có hạ tầng (đường, điện, nước, khu xử lý rác thải, nước thải...), chưa quy hoạch hoàn chỉnh. Mặt khác, các nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng rất khó do việc giải phóng đất đai và mặt bằng rất chậm. Trong lúc đó, có không ít nhà đầu tư xin đất nhưng chậm triển khai dự án, tìm cách gia hạn kéo dài...
“Muốn kêu gọi được các doanh nghiệp, nhà máy… vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, các khu công nghiệp phải có nhà đầu tư hạ tầng để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường, điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung… Tuy nhiên, do một số khu công nghiệp ít doanh nghiệp vào thuê đất nên các nhà đầu tư hạ tầng không mặn mà bỏ tiền ra đầu tư. Mặt khác, nếu nhà đầu tư hạ tầng lỡ đầu tư trước mà ít doanh nghiệp vào thuê thì họ sẽ rất lỗ, nên đây là một bài toán phức tạp”, ông Sơn nói.