Thừa Thiên Huế: Động vật hoang dã “kêu cứu”

Văn Dinh| 10/06/2020 06:30

(TN&MT) - Nhiều loài động vật hoang dã ở rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Thừa Thiên Huế) đã và đang bị “lâm tặc” đe dọa, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi...

Rừng phòng hộ thuộc khu vực phía Bắc đèo Hải Vân (huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển sang rừng đặc dụng từ năm 2019. Tài nguyên, hệ sinh thái rừng thuộc rừng phòng hộ này rất phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao. Trong đó đã ghi nhận sự xuất hiện, tồn tại các loài động vật quý hiếm như vọoc ngũ sắc, cu li nhỏ, gà lôi trắng, gà lôi hồng tía, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, sơn dương… Đây được xem là miếng mồi béo bở đối với “lâm tặc”.

Lực lượng bảo vệ rừng “giải cứu” các loài động vật quý hiếm

Theo chân lực lượng bảo vệ rừng trong một chuyến tuần tra rừng sâu, chúng tôi “khiếp sợ” khi phát hiện, tiếp cận các đối tượng săn bắt động vật hoang dã tỏ ra hung hăng, manh động. “Lâm tặc” sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, hung khí chống trả lực lượng để tẩu thoát. Khi chưa thể bắt giữ các đối tượng để xử lý, nghiêm trị trước pháp luật thì các loài động vật hoang dã tiếp tục đe dọa, “kêu cứu”.

Gần đây nhất vào ngày 10/4, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Hải Vân tổ chức tuần tra, truy quét tại khu vực khe Mệ thuộc tiểu khu 235, địa bàn thôn Thủy Cam (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc). Tại đây, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện hai đối tượng đang mang một cá thể sơn dương chuẩn bị đưa ra khỏi rừng.

Đoàn truy quét tiến hành các biện pháp vây bắt, nhưng do địa hình núi rừng phức tạp, độ dốc lớn, các đối tượng dùng hung khí chống trả quyết liệt đã tẩu thoát. Lâm tặc bỏ lại cá thể sơn dương, được xác định thuộc nhóm IB trong tình trạng bị thương, sức khỏe không được tốt. Cá thể sơn dương được chăm sóc, cứu chữa và đã thả về môi trường tự nhiên sau một ngày chăm sóc, chữa trị vết thương do mắc bẫy.

Trước đó vào giữa tháng 3 vừa qua, lực lượng bảo vệ rừng thuộc BQLRPH Bắc Hải Vân phối hợp với kiểm lâm địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) tổ chức truy quét rừng. Tại khoảnh 5, tiểu khu 252 thuộc rừng đặc dụng Lăng Cô, lực lượng phát hiện các đối tượng săn bẫy động vật hoang dã. Không thể bắt giữ lâm tặc do quá manh động, hung hãn, tổ tuần tra đã thu giữ 64 cái bẫy kẹp đặt rải rác giữa các khu rừng.

Cùng thời điểm, tổ tuần tra bắt giữ hai đối tượng trong lúc đang mang hai cá thể sóc và một số dụng cụ bẫy động vật hoang dã ra khỏi rừng. Hai đối tượng được xác định là Trần Thị L. và Trần Trọng L. đã được giao Công an huyện Phú Lộc điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên

Thời gian qua, cùng với lực lượng chức năng, người dân cũng đã phối hợp liên tiếp phát hiện nhiều vụ săn bắt, buôn bán thú rừng xảy ra ở địa phương và các vùng lân cận. Cũng vì thế mà đã xảy ra nhiều vụ tấn công, uy hiếp các cán bộ bảo vệ rừng nơi đây. Gần đây là vào tháng 3, khi 3 chiếc xe máy của tổ tuần tra rừng BQLRPH Bắc Hải Vân bị đốt cháy sau khi truy bắt các đối tượng đặt bẫy thú. Manh động hơn vào cuối năm 2019, các đối tượng sau khi bị phát hiện, truy đuổi thì đã đến tận trụ sở làm việc đánh trọng thương cán bộ bảo vệ rừng thuộc BQLBVR Bắc Hải Vân.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Hùng -  Phó Giám đốc BQLRPH Bắc Hải Vân thông tin, tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực đèo Hải Vân có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc cao. Người dân sống giáp ranh lợi dụng địa hình phức tạp, lại còn manh động, chống người thi hành công vụ để săn bắt đông vật hoang dã. Địa bàn thuộc BQLRPH Bắc Hải Vân trở thành “điểm nóng” thường xuyên xảy ra nạn săn bắt động vật. Điều này dẫn đến nguy cơ nhiều loài quý hiếm bị tuyệt chủng, gây suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.

“Hằng năm, lực lượng bảo vệ rừng thuộc ban tổ chức hằng trăm đợt tuần tra, truy quét, tháo gỡ hàng ngàn bẫy thú rừng, bắt giữ một số đối tượng vi phạm, thả hàng chục cá thể động vật rừng về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên số vụ bắt giữ, số cá thể thả về rừng là con số khiêm tốn. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, đưa các vụ vi phạm ra xét xử trước công chúng nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng khác. Trong khi lực lượng mỏng, không có giải pháp nào khác ngoài tăng cường tuần tra, truy quét tại rừng, tháo gỡ bẫy thú; đồng thời tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật hoang dã...”, ông Hùng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Động vật hoang dã “kêu cứu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO