Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/NĐ - CP: Sớm gỡ khó để thực thi nhanh

11/03/2014 00:00

(TN&MT) - Hiếm có một Nghị định nào của Chính phủ lại thu hút được sự quan tâm cũng như nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận như Nghị định...

(TN&MT) - Hiếm có một Nghị định nào của Chính phủ lại thu hút được sự quan tâm cũng như nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận như Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bởi lẽ, những nội dung quy định tại Nghị định được thực hiện nghiêm túc, tới nơi tới chốn không chỉ ngân sách Nhà nước hàng năm sẽ tăng thêm được gần 2000 tỷ đồng, mà quan trọng hơn,  tại địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, đời sống của người dân sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ngược lại với viễn cảnh trên những quy định này lại khiến doanh nghiệp khai khoáng hết sức lo lắng về sự tồn vong của mình trong tương lai.
   
    
Một mỏ quặng sắt đang được khai thác tại tỉnh Bắc Cạn –
một trong những mỏ nằm trong danh mục phải đóng tiền cấp quyền khai thác.
   
Thực hiện Nghị định: Quá nhiều khó khăn
   
  Nghị định 203/2013/NĐ-CP ban hành ngày 28/11/2013 là văn bản quy định chi tiết Khoản 3 Điều 77 Luật Khoáng sản 2010 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ tháng 7/ 2011. Như vậy, sau gần 2 năm Luật Khoáng sản 2010 được thực thi sâu rộng trong cuộc sống, Nghị định 203 mới ra đời và có hiệu lực từ ngày 20/1/2014.
   
  Theo Nghị định 203/2013/NĐ - CP, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với giấy phép do Trung ương cấp. Đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, 100% tiền cấp quyền khai thác nộp ngân sách địa phương. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản nộp tiền theo thông báo của Cục Thuế địa phương.
   
  Thời điểm này các cơ quan chức năng đang ráo riết yêu cầu doanh nghiệp khai khoáng kê khai Hồ sơ nộp cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp nhiều phản ứng gay gắt khi Nghị định quy định việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được áp dụng từ thời điểm Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Theo một đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, quy định này là khó thực hiện, bởi với các doanh nghiệp Nhà nước, việc truy thu tiền cấp quyền khai thác từ thời điểm đó còn dễ tính toán, nhưng với doanh nghiệp tư nhân góp vốn cổ phần, những khoản hạch toán trong năm 2011, 2012 đều đã hoàn tất thì sẽ rất khó truy thu - Thậm chí, tính từ thời điểm đó, một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ đã giải thể.
   
  Đại diện Công ty khoáng sản tỉnh Lào Cai kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh thời gian hồi tố và truy thu tiền cấp quyền, nên cho doanh nghiệp một lộ trình thời gian là bao nhiêu năm để trả dần tiền truy thu. Bởi thực tế, số tiền truy thu rất lớn, theo tính toán sơ bộ với những doanh nghiệp nhỏ thì số tiền mỗi doanh nghiệp bị truy thu lên tới hàng chục tỷ đồng.
   
Cần sớm tháo gỡ để dễ thực hiện
   
  Mục đích mà Nghị định hướng tới là nhằm góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ. Việc đưa ra mức thu tiền cấp quyền khoáng sản còn mục đích loại bỏ những DN nhỏ lẻ, yếu kém, không có khả năng cạnh tranh; đồng thời góp phần quản lý tài nguyên khoáng sản của Quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường, phục vụ tốt hiệu quả tài nguyên đất nước…
   
  Tuy nhiên, khi bắt tay triển khai trong thực tế, không chỉ khối doanh nghiệp đối mặt với khó khăn làm sao để có đủ tiền đóng tiền cấp quyền. Mà ngay cả cơ quan quản lý tại địa phương (cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm chủ trì và chịu trách nhiệm chính hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thực hiện Nghị định 203) gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trình độ khi hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kê khai và xử lý hồ sơ chỉ  trong vòng 60 ngày. 
   
  Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, để thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ đóng tiền cấp quyền của doanh nghiệp cần có một tổ chuyên trách từ 3 - 5 cán bộ làm việc nhưng hiện nay, biên chế của Sở Tài nguyên và Môi trường rất hạn chế. Sở TN&MT tỉnh Lào Cai không đủ nhân lực, kinh phí và điều kiện đảm đương công việc này. Đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ tăng cường biên chế hoặc cho phép thành lập Hội đồng cấp quyền khai thác khoáng sản cấp tỉnh để xử lý khối lượng công việc này. Đây cũng là kiến nghị của 62 sở TN&MT tỉnh thành phố có khoáng sản khai thác.
   
  Trước hàng loạt những khó khăn trong thực tiễn như phản hồi của doanh nghiệp, các Sở TN&MT, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết: Nghị định 203 ra đời là hơi muộn so với những mất mát về môi trường, về kinh tế mà khai thác khoáng sản để lại cho xã hội. Do đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện kê khai và đóng tiền của các doanh nghiệp.
   
  Tuy nhiên, ông Thuấn cũng chia sẻ: Những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp và các Sở TN&MT các tỉnh kiến nghị, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ TN&MT, tham mưu lên Chính phủ xem xét điều chỉnh.
   
Bài và ảnh:Quảng Minh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/NĐ - CP: Sớm gỡ khó để thực thi nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO