Từ khi công trình phải ngừng hoạt động, người dân quay trở lại cảnh đi xin nước. Để có nước sinh hoạt, một số gia đình đã phải bỏ tiền túi ra để khoan giếng.
Tuy nhiên phải khoan đến 40 m trở lên mới có nước, nhưng nước lại bị nhiễm vôi, phải lọc qua mới có thể sử dụng được.
Còn những hộ khác thì đi dùng ké những gia đình có giếng, xây dựng bể hứng nước mưa hoặc đi ra các khu vực sông suối để lấy nước về dùng.
Dù đã 67 tuổi, nhưng vì không có giếng, lại không thể nhờ cậy được ai, để có nước dùng hằng ngày, bà Hoàng Thị Diết (thôn Thống Nhất) phải đi bộ 3 km đến khu vực kênh của nhà máy Thủy điện Sêrêpốk để lấy nước, mất cả buổi mới lấy được 20 lít nước.
“Biết nguồn nước lấy tại các con sông, con suối không tốt cho sức khỏe, nhưng cũng phải dùng thôi”, bà Diết than thở.
Được biết, công trình cấp nước sạch tập trung cho thôn Thống Nhất (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được đưa vào sử dụng từ tháng 10-2010.
Công trình do Phòng Dân tộc huyện đầu tư xây dựng theo Chương trình 1592 của Chính phủ, nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 50 hộ dân trong thôn.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2017, công trình đã phải ngừng hoạt động vì không có kinh đủ phí để vận hành. Đến nay, nhiều hạng mục của công trình ngày càng xuống cấp.
Ông Trương Khắc Mận, người trực tiếp quản lý và vận hành công trình cho biết: Trước đây, người dân trong thôn hằng ngày phải mang can, thùng đi đến các cửa hàng, trường học lân cận để xin nước.
Năm 2006, thôn được Nhà nước quan tâm đầu tư cho một giếng nước tập trung, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, cùng với đó hệ thống máy bơm thường xuyên bị hư hỏng, nên đến năm 2012 thôn tiếp tục được cấp trên đầu tư công trình nước sạch này.
Mỗi ngày bà con dùng hết từ 12 đến 30 m3 nước, với giá 3.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, công trình đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập như: đường ống xuống cấp, máy móc hay hư hỏng, hệ thống không thể xử lý hết chất vôi trong nước; nhất là việc nhiều người dân nợ tiền nước trong thời gian dài nên không có kinh phí để đóng tiền điện cũng như duy tu, sửa chữa công trình.
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: “Toàn thôn Thống Nhất hiện có 141 hộ với hơn 500 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê đê, M’Nông, Dao, Gia rai... đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp kinh phí để vận hành công trình nước không được thường xuyên. Sau khi nhận được báo cáo của Ban tự quản cũng như Tổ quản lý, vận hành công trình về việc công trình nước sạch ở thôn Thống Nhất ngừng hoạt động, xã đã làm báo cáo gửi Phòng Dân tộc huyện để có hướng khắc phục cũng như bố trí kinh phí sửa chữa để đưa công trình trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất”.
Trước những khó khăn của người dân cũng như việc thiếu kinh phí để vận hành, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm có phương án đưa công trình tái hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, cũng như hạn chế tình trạng xuống cấp của công trình, tránh gây lãng phí vốn đầu tư.