Tiếng dân

Dân “tố” Công ty cấp nước sạch vu khống người dân ăn cắp nước

Việt Linh 26/09/2023 - 17:53

Nhiều hộ dân ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bị Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam tự ý đưa công nhân đến đào bới khu đường ống dẫn nước, mặc dù chưa chứng minh được sự việc “ăn cắp nước”, công ty này đã yêu cầu các hộ dân đền bù hàng chục triệu đồng rồi sau đó xé biên bản?!

Theo phản ánh của người dân ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, vừa qua, 8 hộ dân tại đây bị Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy nước sạch liên xã Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Đạo, Nhân Hưng (Công ty Đồng Tiến Thành) lập biên bản vì hành vi đấu nối nước sạch không qua đồng hồ. Quá trình kiểm tra, lập biên bản, Công ty Đồng Tiến Thành tự ý kiểm tra, không thông báo cho người dân, cũng không thông qua chính quyền địa phương. Trong đó, có một số hộ dân bị công ty này yêu cầu đền bù hàng chục triệu đồng vì làm thất thoát nước?

z4725457411551_8f76b668c19aba9378e03aa7c2b9a4c5.jpg
Ông Phạm Văn Chanh khẳng định gia đình ông không hề ăn trộm nước, đồng hồ nước này là của hộ gia đình khác.

Cuối tháng 7/2023, Gia đình ông Phạm Văn Chanh (83 tuổi, trú thôn 9 Đồng Lư Trung Thượng) bị Công ty Đồng Tiến Thành lập biên bản và cho rằng gia đình ông Chanh có hành vi lấy trộm nước.

Ông Chanh khẳng định: "Tôi ở nhà có một mình, đường nước mà công ty đào là ngõ đi chung thuộc phần đất nhà ông Phạm Văn Ảnh. Đường nước, đồng hồ nước nhà tôi nằm phía ngoài đường lớn sau bếp, tôi chẳng ăn cắp, ăn trộm gì cả mà họ vu cho tôi là ăn cắp nước của họ và yêu cầu tôi đền bù tiền".

z4725457405017_11b519fb698f65f16b251f3e6cdb952a.jpg
Cũng theo ông Chanh, đồng hồ nước nhà ông nằm ngoài đường lớn, có viết tên rõ ràng.

Do quá bức xúc, con trai ông Chanh đã làm đơn gửi đơn tố giác đến Công an huyện Lý Nhân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân. Trong đơn, khẳng định phía Công ty Đồng Tiến Thành đã có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của ông Chanh.

Ông Vũ Văn Nam (trú tại thôn 2 Vũ Điện), cũng cho biết: "Cả nhà tôi hôm đấy đi làm, về đến nhà thì thấy đường nước bị xới tung, phía công ty nước bảo kiểm tra thì phát hiện đường đấu nối không qua đồng hồ và bảo là gia đình tôi ăn trộm nước của công ty, phải đền bù cho họ. Nếu không đền bù tiền thì sẽ thông báo công an xã và đưa lên loa truyền thanh.

Đường ống nước ấy cách đây khoảng 4 năm khi xây tường rào có thể thợ xây tự đấu đánh vữa, nhưng sau này bịt lại tôi không hề dùng đến. Nhưng vì không muốn sự việc bị um xùm nên tôi đã đưa trước 10 triệu".

z4725457397846_93a262485313f46575f1f260a0d2f8af.jpg
Nhiều hộ dân khẳng định, việc Công ty Đồng Tiến Thành đến kiểm tra không hề báo trước, cũng không có chính quyền địa phương đi cùng giám sát.

Đầu tháng 8/2023 bà Trần Thị Hiển (64 tuổi, trú thôn 2 Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân), bất ngờ bị Công ty Đồng Tiến Thành, lập biên bản vì cho rằng gia đình bà Hiển có hành vi ăn trộm nước sạch của công ty này và bị yêu cầu đền bù thiệt hại do thất thoát nước của nhà máy 50 triệu đồng.

Theo phản ánh của ông Đặng Văn Men, thôn 6, xã Chân Lý, ngày 8/8/2023, cũng có một tốp người tự nhận là nhân viên của Công ty Đồng Tiến Thành đến đào bới khu vực đường ống dẫn nước gần nhà ông. Sau đó lập biên bản vu khống cho gia đình ông đã “ăn trộm” nước, căn cứ vào vi phạm của gia đình ông Men, gia đình ông phải bồi thường thiệt hại cho Công ty với số tiền là 50 triệu đồng, nếu gia đình ông không chấp hành sẽ ngừng cung cấp nước…

z4725457412742_f7c3ed1f01a7cb72ae4f92cfee710551.jpg
Nhà máy nước sạch liên xã Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Đạo, Nhân Hưng

Trao đổi với phóng viên ông Men cho biết: Khi công nhân đến cắt đường để đưa đường ống dẫn nước đã không xin phép gia đình, nhưng vì lợi ích chung ông đã không yêu cầu gì chỉ nói khi làm xong thì phải hoàn trả nguyên trạng cho gia đình. Trong khi lắp đặt đường nước xong, để thử nghiệm áp suất của đường ống, công nhân thi công đã nhờ ông cho dùng nước giếng của gia đình bơm vào đường ống sau đó họ bịt lại và hoàn nguyên như ban đầu. Từ đó đến nay gia đình tôi không hề đào bới hay lắp đặt thêm gì, nhà tôi chỉ có tôi thường xuyên ở nhà, vợ con đều đi làm xa, trong khi gia đình tôi có bể nước mưa lớn vẫn đang sử dụng. Nay Công ty Đồng Tiến Thành vu khống cho tôi là ăn cắp nước việc này đã ảnh hưởng rất lớn đế uy tín, danh dự của tôi. Trước sự việc nêu trên tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm vào cuộc trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân chúng tôi. Ông Men cho biết.

z4725464105151_0450e24a6346a138ab910498b549430e.jpg
Hình ảnh về biên bản người dân cung cấp của Công ty Đồng Tiến Thành với một hộ dân mà công ty này cho rằng đã ăn trộm nước (Ảnh: Người dân cung cấp).

Ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, cho biết: "Việc Công ty Đồng Tiến Thành đến kiểm tra, xử phạt các hộ dân đều không thông qua chính quyền xã mà họ tự ý làm là đúng sự thật. Kể cả việc họ đào đường lên cũng không thông báo chính quyền xã. Phía UBND xã đã nắm được thông tin và cho cán bộ liên hệ mời Công ty đến xã làm việc, nhưng hiện nay cán bộ xã chưa mời công ty này đến được".

Đại diện Công an xã Chân Lý xác nhận việc có một số hộ dân bị Công ty Đồng Tiến Thành kiểm tra vì cho rằng có hành vi ăn trộm nước sạch và có một số hộ dân đã phải bỏ tiền ra nộp, một số hộ dân nộp tiền xong thì phía công ty đã xé luôn biên bản. Việc này phía công ty cũng tự ý làm, không báo qua công an xã. Công an xã Chân Lý đã báo cáo sự việc lên Công an huyện Lý Nhân.

Trả lời qua điện thoại, ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty Đồng Tiến Thành cho biết: "Xử phạt thì không có xử phạt, nhưng thời gian vừa rồi anh em có báo cáo lại là có bắt được một số hộ ăn trộm nước sạch và có lập biên bản yêu cầu các hộ đền bù cho doanh nghiệp".

Thông tin với PV Báo Tài nguyên và Môi trường Trung tá Tống Văn Thu, Phó Trưởng Công an huyện Lý Nhân cho biết: "Công an huyện Lý Nhân đã nắm được thông tin vụ việc trên đồng thời đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân xác minh làm rõ vụ việc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân “tố” Công ty cấp nước sạch vu khống người dân ăn cắp nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO