Dự báo, nửa cuối năm 2020 thị trường BĐS sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt |
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 làm suy yếu những triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam, gây tổn thất tới mọi loại hình sản phẩm. Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó tới văn phòng và BĐS công nghiệp. Thị trường nhà ở cũng không hề được “miễn dịch” bởi đại dịch này.
Thực tế, từ thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp BĐS buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán, thay đổi kế hoạch kinh doanh. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, tất cả các doanh nghiệp BĐS đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ.
“Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại…
Khá nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ chờ dịch bệnh đi qua là tổ chức các hoạt động liên quan đến giới thiệu dự án, động thổ công trình…và ít nhất các hoạt động này sẽ tạm hoãn đến cuối quý II hoặc sang quý III, quý IV của năm 2020”, ông Châu cho hay.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, khó khăn của ngành địa ốc chỉ là tạm thời, qua giai đoạn dịch bệnh thị trường sẽ quay lại quỹ đạo, đồng thời sẽ có sự cạnh tranh gay gắt về thị phần giữa các chủ đầu tư.
Qua đợt dịch bệnh, nhiều khả năng các chủ đầu tư sẽ đồng loạt bung hàng |
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, những phân khúc BĐS phục vụ nhu cầu thật, như nhà ở khu vực nội đô Hà Nội, TP.HCM luôn có xu hướng tăng giá trong suốt thời gian qua, trong khi từ năm 2019, nguồn cung phân khúc này bị co hẹp nhưng nhu cầu vẫn lớn.
Ông Đính dự báo, tình hình dịch bệnh chỉ diễn biến trong ngắn hạn, nếu hết quý III dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều khả năng đến quý IV BĐS sẽ chứng kiến đợt sôi động mới. Nguồn cung vẫn khan hiếm vượt nguồn cầu thì giá sẽ tăng.
Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng lúc, điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần để tìm kiếm đầu ra trong nửa cuối năm 2020.
Theo bà Dương Thùy Dung, hiện nay các nhà đầu tư BĐS cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình, khiến cho không khí thị trường ảm đạm rõ nét.
Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM cho biết, có thể nguồn cung thị trường BĐS sẽ trở lại vào các quý cuối năm của 2020 khi tình hình dịch bệnh được khống chế. Khi đó, các dự án đồng loạt bung hàng cũng gây nên áp lực cạnh tranh về khách mua.
Tuy vậy, những dự án nào có lợi thế về giá, vị trí tốt thì vẫn đảm bảo được tính thanh khoán. Chưa kể, suốt thời gian qua, thị trường “đói” nguồn cung, người mua nhà ngóng dự án mới, hi vọng khi các chủ đầu tư đẩy hàng ra thị trường sẽ đón nhận sức mua tốt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: "Dù khó khăn liên tục đến với thị trường BĐS. Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan là BĐS vẫn được người dân xem như một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế.
Nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững. Bởi thực tiễn cũng đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường BĐS các năm 2008 và 2011, thị trường vẫn sẽ hồi phục và phát triển ổn định".