Bất động sản tăng trở lại
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù trải qua làn sóng Covid-19 lần 2, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, thị trường bất động sản 2020 đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ… vẫn rất lớn.
Năm 2020, Hà Nội có 17.626 căn hộ và 1.584 thấp tầng đủ điều kiện bán ra thị trường, bằng 66,9% so với năm 2019. Tính cả hàng tồn trước đó thì lượng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường đạt 28.818 sản phẩm, gồm 24.164 căn hộ và 4.672 thấp tầng. Tỷ lệ hấp thụ vẫn duy trì ở mức thấp, đạt khoảng 48 với 10.032 căn hộ và 3.802 thấp tầng. Căn hộ chỉ hấp thụ tốt ở phân khúc bình dân, rất chậm ở phân khúc cao cấp.
Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại. Ảnh: Hoàng Minh |
Trái ngược lại, thị trường nóng lên ở một số khu vực như: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức... đất trong làng xã được đẩy lên mức 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với 2019. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019.
Đánh giá của CBRE cũng cho thấy, thị trường vẫn phục hồi và tăng trưởng do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán cao. Các nhân tố thúc đẩy thị trường như nhiều chính sách đồng bộ, cơ chế hỗ trợ thị trường, nhu cầu nhà ở của người dân tăng...
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, trong năm 2020, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang đầu tư các kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Đây là điều tích cực với thị trường bất động sản. Thêm vào đó, các nhà đầu tư vẫn tìm cơ hội ở các thành phố lân cận và chờ cơ hội tăng giá do nguồn cung đất nền, nhà ở tại TP. Hà Nội, TP.HCM bị siết chặt. Năm 2020, nguồn cung mở bán mới giảm 52%, giá bán tăng 3%. Dự kiến, với sự phục hồi của thị trường bắt đầu từ quý IV/2020, nguồn cung năm 2021 sẽ tốt hơn. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư bên cạnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán...
Kỳ vọng khung pháp lý hoàn thiện
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định 1 trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam là cơ chế chính sách. Vì vậy, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho thị trường bất động sản Việt Nam, bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12/2020, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong Luật Đất đai. Năm 2021 là năm có điểm hội tụ đặc biệt khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... cùng có hiệu lực từ tháng 1/2021. Bộ Xây dựng cũng đang tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và một số Nghị định ban hành về quản lý chung cư cũ... Nhờ vậy, những điểm nghẽn về chính sách sẽ được tháo gỡ, tạo ra cơ chế khả thi cho các nhà đầu tư. Thị trường trong năm 2021 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hùng, dự kiến trong quý I/2021, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2...
Tổng thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, năm 2021 khó có thể xảy ra nguy cơ bong bóng bất động sản vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh, giá có thể kiểm soát được. Một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào thị trường bất động sản sẽ quay trở lại thị trường truyền thống của mình.
Riêng về lượng cung, theo ông Đính, các dự án đang bị vướng mắc trong quy định pháp luật sẽ được tháo gỡ nhiều phần. Do đó, nguồn hàng cả nước sẽ tăng mạnh so với năm 2020. Cụ thể tại Hà Nội, ngay quý I, quý II của năm 2021, dự kiến sẽ có hàng vạn sản phẩm với đa dạng các phân khúc sẽ chào hàng thị trường. Trong đó, khu vực phía Bắc và phía Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tại TP.HCM, sẽ có khoảng 20 dự án chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 3 vạn sản phẩm với đủ loại phân khúc. Năm 2021 hứa hẹn là một năm khởi sắc của thị trường bất động sản.