Dấu hiệu rất lạc quan
Thời điểm dịch Covid-19 xảy ra khiến xã hội giãn cách, thị trường BĐS tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận gần như “đóng băng”, người mua, giới đầu cơ có tâm lý đợi các chủ đầu tư dự án BĐS giảm giá mạnh để gom sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn chủ đầu tư không giảm giá, thậm chí nhiều dự án còn tăng giá nhẹ do nguồn cung khan hiếm.
Từ tháng 5/2020 đến nay, thị trường BĐS có bước tiến triển rõ rệt, bối cảnh thị trường BĐS có những dấu hiệu rất lạc quan hơn khi một số chủ đầu tư mở bán, còn người mua, giới đầu cơ… quan tâm chọn lựa sản phẩm đã quay trở lại nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS đang có những tín hiệu lạc quan hơn, các hoạt động kinh doanh hấp thụ tốt hơn.
Giá căn hộ hiện nay tăng nhẹ so với thời điểm dịch Covid-19 diễn ra |
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), từ quý III/2020 đến nay, có khoảng 29.700 sản phẩm căn hộ được giao dịch thành công. Tại Hà Nội có 1.354 giao dịch, bằng 116% so với quý I/2020. Còn tại TP.HCM có 3.958 giao dịch, bằng 140,6% so với quý I, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%. Trong đó, căn hộ cao cấp giá tăng 0,04%, căn hộ trung cấp tăng 0,64%, căn hộ bình dân tăng 0,94%, nhà ở riêng lẻ giá tăng 0,15%.
Theo Chuyên gia Kinh tế Phan Công Chánh, hiện nay, phân khúc BĐS công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shop house có tín hiệu cơ bản phục hồi, những tháng cuối năm thị trường có thể theo chiều hướng tích cực hơn. Giá BĐS không có sự giảm giá, các loại hình BĐS đầu tư vẫn có thể thu hút được khách hàng. Song, mức tiến triển thị trường chưa thể nhanh chóng, bởi ẩn số dịch Covid-19 chưa có lời giải, rất khó biết khi nào có thể hết dịch hoàn toàn khiến nhà đầu tư vẫn còn mang tâm lý e ngại.
Cũng theo ông Phan Công Chánh, thị trường BĐS vẫn có hy vọng nhờ bệ đỡ từ bài toán đầu tư công. Khi có các dự án đầu tư đi vào khởi động sẽ kéo theo sự hoàn thiện các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Từ đó, tác động tích cực đến thị trường BĐS. Phân khúc truyền thống như đất nền, nhà phố, căn hộ vẫn ổn. Riêng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng thì còn gặp khó khăn. Đối với BĐS công nghiệp, dù thị trường đang tiến triển tốt, nhưng chỉ thuận lợi với những chủ đầu tư đã có dự án và đang mở bán.
Cơ hội để vực dậy
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù tác động của dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo năm 2021-2022. Đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước nói chung. Tuy vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn để vực dậy.
Theo dự báo, thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh trong giai đoạn tiếp theo năm 2021-2022 |
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: “HoREA thực sự rất vui mừng cho thị trường BĐS, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Đồng thời, Quốc hội cũng đang tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Luật khác có liên quan, để hoàn thiện khung pháp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho thị trường BĐS nhanh chóng phục hồi và phát triển”.
Nhận định về thị trường nhà ở TP.HCM của DKRA Việt Nam: “Nguồn cung nhà ở có thể duy trì tương đương quú III/2020, dao động ở mức 6.500 - 7.000 căn. Khu Đông và khu Nam TP.HCM tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới mở bán. Sức cầu chung toàn thị trường BĐS có xu hướng tăng khi các hoạt động kinh tế bình thường trở lại. Trong đó, phân khúc hạng A tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nguồn cung mới mở bán.
Thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C, thậm chí là không có. Trong khi đó, nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ tăng so với quý III, dao động ở mức 800 - 1.000 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn”.