Thí điểm bảo hiểm cho con tôm nước lợ: Nông dân bức xúc, doanh nghiệp “chết dở”

19/09/2013 00:00

(TN&MT) Cũng như Cà Mau, ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng , DN bảo hiểm đã và đang “rối” vì bồi thường rủi ro cho con tôm nước lợ vượt gấp nhiều lần số tiền thu...

   
(TN&MT) - Hiện nay chỉ riêng tỉnh Cà Mau còn tới 1.252 hồ sơ bị thiệt hại, tổng số tiền bồi thường ước tính 76,5 tỉ đồng, đã quá hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa được Công ty Bảo Minh Cà Mau giải quyết, khiến nhiều hộ nuôi tôm tham gia bảo hiểm đang rất bức xúc...
   
   
Bồi thường rủi ro vượt gấp nhiều lần doanh thu phí bảo hiểm
   
  Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013, tỉnh Cà Mau đã chọn triển khai thực hiện thí điểm tại TP.Cà Mau, huyện Cái Nước, huyện Đầm Dơi và 9 xã (Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Tân Duyệt, Trần Phán, Tạ An Khương Nam, Hòa Tân, Hòa Thành, Định Bình).
   
  Đến cuối tháng 7/2013, Công ty Bảo Minh Cà Mau đã ký 1.866 hợp đồng bảo hiểm với nông dân (có 31 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo) nuôi tôm sú (178 hợp đồng) và nuôi tôm chân trắng (1.688 hợp đồng), tổng diện tích nuôi gần 714 ha. Tổng giá trị bảo hiểm theo hợp đồng đã ký là 410.325.230.041 đồng; tổng phí bảo hiểm 30.431.115.733 đồng (người dân phải nộp 11.911.133.027 đồng; ngân sách hỗ trợ 18.519.982.706 đồng). Trong đó, có 474 hợp đồng được ký năm 2012, diện tích gần 197ha; tổng giá trị bảo hiểm trên 108,4 tỉ đồng, tổng phí bảo hiểm trên 8 tỉ đồng (người dân nộp là 3 tỉ đồng, ngân sách nhà nước nộp là 4,9 tỉ đồng); có 1.392 hợp đồng ký trong 7 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị bảo hiểm 301,8 tỉ đồng, tổng phí bảo hiểm 22 tỉ đồng (người dân nộp 8,8 tỉ đồng, ngân sách hỗ trợ 13,5 tỉ đồng).
   
Do nhiều yếu tố từ môi trường dẫn đến rủi ro cao trong nuôi tôm
    
   
  Từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2013, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau đã tiếp nhận thông tin khai báo tôm bị thiệt hại là 1.740 vụ. Đã xem xét giải quyết bồi thường 600 vụ, với diện tích bị thiệt hại gần 200ha, số tiền bồi thường là 35.228.785.157 đồng. Trong đó, năm 2012 đã bồi thường 28 vụ, với diện tích thiệt hại 9,24ha, số tiền bồi thường 1.481.481.006 đồng; năm 2013 đã giải quyết bồi thường 572 vụ, diện tích thiệt hại gần 191ha, số tiền bồi thường là 33.747.304.151 đồng. Nhưng hiện nay số hồ sơ còn lại 1.140 vụ (cũ) và 112 vụ mới phát sinh bị thiệt hại, tổng số tiền bồi thường ước tính 76,5 tỉ đồng hầu hết đã quá thời hạn so với hợp đồng bảo hiểm nhưng chưa được Công ty Bảo Minh Cà Mau giải quyết bồi thường, nên rất nhiều hộ nông dân tham gia bảo hiểm rất bức xúc.
   
Cần sớm khắc phục nhiều vướng mắc
   
  UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, thực hiện thí điểm BHNN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc giữa quy định của cơ quan có thẩm quyền và thực tế ở địa phương; sự lúng túng của các cơ quan triển khai thực hiện đã gây nhiều bức xúc cho nông dân tham gia bảo hiểm,…
   
  Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quyết định và được điều chỉnh nhiều lần, nhưng vẫn chưa hợp lý. Đơn cử, Quyết định số 2114/QĐ-BTC ngày 24/8/2012 của Bộ Tài chính nâng mức tỷ lệ phí bảo hiểm nuôi tôm thâm canh khá cao: từ 7,42% lên 9,72%, quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc từ chối một phần, nếu: mật độ tôm thực tế thấp hơn 80% so với mật độ trong giấy chứng nhận bảo hiểm, tôm chất không đồng nhất về kích cỡ được xác định nhiều loại độ tuổi cùng nuôi trong một cơ sở nuôi trồng. Đến Quyết định số 1725 ngày 23/7/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quyết định 1042 tiếp tục nâng mức phí bảo hiểm đối với tôm từ 9,72% lên 13,73%, như vậy sẽ gây khó khăn cho những hộ nuôi những vụ trước bị thiệt hại.
   
Doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang “rối” vì bồi thường rủi ro cho con tôm nước lợ vượt gấp nhiều lần
số tiền thu phí bảo hiểm.
    
   
  Đơn vị thực hiện là Công ty Bảo Minh ban hành quy tắc một số nội dung chưa phù hợp thực tế, nên lúng túng, xử lý chưa phù hợp quy định, gây bức xúc cho người tham gia bảo hiểm. Công ty ký hợp đồng với người dân trong thời hạn 1 tháng kể từ khi bị thiệt hại nếu đầy đủ hồ sơ, thủ tục phải bồi thường cho người dân, nhưng có những trường hợp bị thiệt hại trên 6 tháng Công ty vẫn chưa bồi thường. Bên cạnh đó, Công ty còn tự ý trừ 30% giá trị hợp đồng và thương lượng với người dân để giảm trừ từ 15%-60% giá trị của hợp đồng được bồi thường… Về phía địa phương, đến nay vẫn chưa có quy trình xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp trên con tôm, mà chỉ xác định bằng phương pháp kiểm tra lâm sàng, gây khó khăn cho cơ quan Thú y của tỉnh trong việc xác định dịch bệnh.
   
  Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mới đây UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tài chính sớm rà soát lại những văn bản đã ban hành có nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương, có sửa đổi, bổ sung. Chỉ đạo Tổng Công ty Bảo Minh thực hiện bồi thường đúng theo giá trị hợp đồng và thời gian hợp đồng đã ký với các hộ dân, không được tự đặt ra mức phần trăm khấu trừ giá trị hợp đồng được bồi thường với người dân. Bộ NN&PTNT cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/6/2011 theo hướng các hộ tham gia thí điểm BHNN phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan địa phương nơi thí điểm bảo hiểm chứng nhận; căn cứ bắt buộc bồi thường thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra, chủ hộ nuôi tôm tham gia bảo hiểm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đốm trắng, đầu vàng, MBV đối với tôm sú; đốm trắng, đầu vàng, MBV và Taura đối với tôm chân trắng; Bộ sớm ban hành quy trình xét nghiệm bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm…
   
        
Cũng như Cà Mau, ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang “rối” vì bồi thường rủi ro cho con tôm nước lợ vượt gấp nhiều lần số tiền thu phí bảo hiểm.
        
Riêng tỉnh Sóc Trăng năm 2012, doanh nghiệp bảo hiểm ước bồi thường cho 2.500 lượt hộ với 4.750 hồ sơ, số tiền trên 250 tỉ đồng (vượt gấp 3 lần số tiền thu được từ việc bán hơn 6.000 hợp đồng bảo hiểm trước đó) và hiện còn tồn khoảng 470 hồ sơ chưa thể giải quyết với số tiền bồi thường gần 21 tỉ đồng.
        
Tính đến hết tháng 5/2013, doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả bồi thường thiệt hại về tôm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu 340 tỉ đồng vượt gấp nhiều lần so với doanh thu phí bảo hiểm.
        
    
   
  Bài & ảnh: Liên Quang
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm bảo hiểm cho con tôm nước lợ: Nông dân bức xúc, doanh nghiệp “chết dở”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO