Thêm một lần khắc ghi

Ngọc Lý| 13/10/2020 12:03

(TN&MT) - Dịch họa vừa đi qua, chưa kịp tìm lại nhịp sống thường nhật, người dân miền Trung lại phải chịu cảnh ngập lụt.

Dù đã có những cảnh báo, nhưng những ngày qua, người dân miền Trung và cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng trước những khốc liệt mà mưa lũ gây ra. Mưa lớn, ảnh hưởng của bão số 6, rồi áp thấp…, mưa cứ triền miên, khiến làng mạc, phố xá lại thêm ngập sâu.

 

Không đau xót sao được khi những cảnh báo, những dự báo đã được đưa ra, nhưng thảm cảnh vẫn cứ xảy ra, vẫn cứ gieo tang tóc xuống đầu bao đồng bào vốn ở những vùng miền khó khăn nhất.

Vẫn biết, sau bão là mưa lớn, là lũ dữ, nhưng người dân lại chẳng thể ngờ thiên nhiên tàn khốc như thế. Bao làng xóm, đồng ruộng đang trù phú, thế mà tất cả chìm trong lũ. Những mốc lũ lịch sử lại tái hiện. Lần này còn dằn dữ hơn.

Từ nỗi đau mất mát, thiệt hại của người dân những nơi chịu mưa lớn, lũ dữ, ngẫm đến mai sau, nghĩ lại những ngày qua, chúng ta mới thấy cái giá của sự phung phí, đối xử tệ bạc với thiên nhiên chẳng thể nào đo hết được.

Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh vô cùng nguy hiểm bởi các thảm họa bão, lũ, lụt, nước biển dâng, do bờ biển dài của đất nước và dân số tập trung tại những vùng có cao độ thấp của khu vực ven biển.

Thế nên, với sự gia tăng của bão, lụt, chính quyền các địa phương, nhất là những đô thị, vùng ven biển sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt. Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử dụng các công trình công cộng như trụ sở uỷ ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều thành phố cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Đặc biệt, các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tượng thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng cao hơn.

Sự thờ ơ là một thách thức lớn nhất khi các thành phố ứng phó với thiên tai. Trong tình hình hiện nay của các địa phương, các đô thị ven biển Việt Nam, thay vì chú ý đến các giải pháp giảm nhẹ, các nhà quy hoạch cần tập trung đến các giải pháp thích ứng như bảo vệ, đặc biệt là các thành phố lớn, trước đe doạ của bão, lụt và nước biển dâng.

Mưa lớn. Lũ về. Nước ngập sâu. Nhà sập. Người bị cuốn trôi. Hàng vạn đồng bào cả tuần qua vẫn lênh đênh giữa biển nước. Rồi ô nhiễm, thiếu nước sạch, lương thực. Tất cả đang như một nỗi ám ảnh xoáy sâu vào lòng bao người dân Việt.

Chúng ta đang sống trong một thế giới tiêu dùng với đủ loại rác thải độc hại xả vào môi trường sống. Những thủy điện bề thế mọc lên, bao cánh rừng ngã xuống. Những thảm thực vật giảm tần suất lũ cứ vơi dần. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn. Xin hãy dành cho đời sau chút gì còn lại!? Thế giới thật rộng nhưng mong manh vô cùng trước vũ trụ bao la.

Xin hãy nghĩ cho ngày mai để ta không hoang phí những gì thiên nhiên ban tặng, để ta sống hòa cùng thiên nhiên, để bớt đi những đau thương mỗi khi thiên nhiên nổi giận.

Một dải miền Trung, những ngày này, vẫn mưa dày sậm bùn đất. Nước chạm mái nhà.

Hôm nay, 13/10, Ngày Quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Khắc ghi thêm cho chúng ta bài học xương máu trước thiên tai.

Và hôm nay, trong số những cái tên được xướng lên về làm giàu, có ai vang danh bằng nguồn sống từ rừng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một lần khắc ghi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO