Thanh Hóa ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững

Đức Duy| 25/02/2021 10:20

(TN&MT) - Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF) do Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Sau 4 năm triển khai thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa, Dự án đã có những kết quả tích cực, giúp địa phương chống chịu những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Để có cái nhìn toàn cảnh về Dự án này tại Thanh Hóa, PV Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Lê Công Cường - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án GCF tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề trên.

Ông Lê Công Cường - Giám đốc BQL Dự án GCF

PV: Thưa ông, thời gian qua, Thanh Hóa phải gánh chịu những tác động, ảnh hưởng từ BĐKH, vậy việc thực hiện Dự án GCF có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với địa phương?

Ông Lê Công Cường:

Dự án GCF được thực hiện trong 5 năm (2017 - 2021), trong đó, tỉnh Thanh Hóa tham gia cả 3 hợp phần của Dự án. Đây là Dự án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng giúp địa phương chống lại những tác động, ảnh hưởng của BĐKH và được thể hiện rất rõ trong các hợp phần:

Hợp phần 1: Bổ sung các tính năng chống chịu bão, lụt cho những hộ nghèo và dễ bị tổn thương do thiên tai trước những tác động của BĐKH tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân thường xuyên bị thiên tai vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Hợp phần 2: Tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, gia tăng chức năng phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, đồng thời góp phần hấp thụ khí Cacbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học.

Hợp phần 3: Tăng cường khả năng tiếp cận các dữ liệu về tổn thất và thiệt hại do thiên tai và BĐKH; hỗ trợ quá trình ra quyết định và lập quy hoạch, kế hoạch các rủi ro và khả năng chống chịu với BĐKH.

PV: Ông có thể cho biết rõ về kết quả đạt được từ khi Thanh Hóa bắt đầu thực hiện Dự án GCF? Theo ông, hoạt động nào được xem là trọng điểm của Dự án?

Ông Lê Công Cường:

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai thực hiện Dự án GCF. Đây là nhiệm vụ mà các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhờ vậy địa phương đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mới cho 1.153/1.403 căn nhà (đạt 82,1%) cho các hộ nghèo chống, chịu bão, lụt tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; trồng, phục hồi 350/400 ha rừng ngập mặn (đạt 87,5%), trong đó trồng mới 50 ha, trồng bổ sung 300 ha; hỗ trợ 7 mô hình sinh kế cho các cộng đồng, hộ dân bị ảnh hưởng từ việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Ngoài ra, phối hợp với BQL Dự án Hợp phần 3 TW tổ chức 3 lớp tập huấn cấp tỉnh cho cán bộ giảng viên TOT cấp tỉnh và 56 lớp tập huấn cấp xã về lập kế hoạch rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, với đối tượng là cán bộ phụ trách công tác quản lý thiên tai và cộng đồng địa phương vùng ven biển.

Có thể nói, các hoạt động của Dự án đều mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh BĐKH và diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay. Trong đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo chống, chịu bão, lụt là có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhất và được xem là hoạt động trọng điểm thuộc Hợp phần 1.

Thanh Hóa đã gánh chịu những tác động, ảnh hưởng của BĐKH

PV: Trong quá trình thực hiện Dự án GCF, Thanh Hóa đã và đang gặp phải những khó khăn và vướng mắc nào, thưa ông?

Ông Lê Công Cường:

Sau 4 năm thực hiện, có thể thấy rằng các hộ gia đình tham gia Hợp phần 1 của Dự án GCF phần lớn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do đó, việc huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng nhà bị hạn chế. Hiện nay, quỹ đất, rừng ngập mặn có hạn, trong khi tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 dự án trồng, hầu hết diện tích còn lại để bố trí cho các dự án đều có điều kiện hiện trường quá khó khăn.

Đơn giá hỗ trợ việc trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn theo văn kiện Dự án là thấp, trong khi những diện tích đủ điều kiện để thực hiện Dự án là những nơi có điều kiện lập địa khó khăn. Bên cạnh đó, người dân một số địa phương vẫn đang khai thác, đánh bắt thủy sản trên diện tích trồng rừng bổ sung, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.

PV: Có thể thấy khó khăn lớn nhất là huy động nguồn lực, Thanh Hóa đã đưa ra những giải pháp nào để Dự án GCF hoàn thành kế hoạch?

Ông Lê Công Cường:

Thời gian tới, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, của các Sở, ngành cấp tỉnh, đại diện nhà tài trợ và của các BQL Dự án hợp phần TW, BQL Dự án GCF tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp sau:

Tích cực chủ động đấu mối với các phòng chuyên môn của UBND các huyện, UBND các xã có kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương nhằm vận động, quyên góp, ủng hộ bằng tiền mặt hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn hoàn thành xây dựng nhà theo kế hoạch đề ra.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã tiến hành rà soát, xác định quỹ đất đủ điều kiện để đưa vào thiết kế trồng rừng; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Dự án, đề xuất lồng ghép nguồn trồng rừng thay thế để thực hiện trồng rừng ngập mặn đảm bảo hiệu quả, đúng kỹ thuật theo các quy định của cơ quan có thẩm quyền về trồng rừng ngập mặn; đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công thực hiện việc trồng rừng đảm bảo đúng thiết kế đã được Sở NN&PTNT phê duyệt.

Đối với diện tích do điều kiện hiện trường quá khó khăn, không đảm bảo các quy định về trồng rừng ngập mặn, BQL Dự án GCF tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các huyện, xã tiến hành đánh giá cụ thể. Đồng thời, đề xuất đại diện Nhà tài trợ, BQL Dự án TW không tiếp tục thực hiện trồng rừng nhằm đảm bảo nguồn lực từ Dự án và các nguồn lực khác được sử dụng hiệu quả, đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO