Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt trữ lượng 89 mỏ. Đối với mỏ cấp tỉnh, đã cấp 77 giấy phép thăm dò, 158 giấy phép khai thác. Đối với mỏ cấp bộ, đã cấp 2 giấy phép khai thác, 1 giấy phép thăm dò. Thực hiện đóng cửa 67 mỏ; 7 mỏ đang thẩm định hồ sơ đóng cửa, 23 mỏ đang lập hồ sơ đóng cửa. Lập, thẩm định 64 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; xử lý vi phạm đối với 558 tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản với tổng số tiền 13,8 tỷ đồng...
Thanh Hóa chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản |
Những năm gần đây khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Thanh Hóa cũng đã được đầu tư khai thác, chế biến có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn.
Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc, quá trình thẩm định hồ sơ, xem xét cấp phép luôn tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản và các luật khác có liên quan.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản gắn với công tác bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Công văn số 12234/UBND-CN về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý, hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Khai thác khoáng sản phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường |
Theo đó, để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cấp vật liệu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý vi phạm khoáng sản.
Nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý và hoạt động khoáng sản. Yêu cầu dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân...