Thanh Hóa: Hội nhập sâu rộng sau 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng NTM

Bài và ảnh: Hoàng Anh| 05/11/2020 23:10

(TN&MT) - Nhờ có sự đồng lòng, chung tay của Đảng, chính quyền và nhân dân, sau 10 năm Thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay, Thanh Hóa đã đạt nhiều “con số” ấn tượng trong nông nghiệp. Đây là những bước tiến mạnh mẽ, là tiền đề để xây dựng, phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác dạy.

Vượt qua khó khăn

Thanh Hóa bắt đầu thực hiện Chương trình Xây dựng NTM với số lượng xã nhiều nhất cả nước (573 xã, chiếm 6,4% số xã xây dựng NTM toàn quốc), có 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; thường phải chịu tổn thất lớn do thiên tai, bão lũ gây ra; dịch bệnh hàng năm diễn biến phức tạp, nguồn lực đầu tư cho Chương trình còn nhiều hạn chế.

Dựa trên sự vốn có về đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng Chương trình Phát triển nông nghiệp và Xây dựng NTM, xác định đây là một trong 5 Chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh việc chủ động và phát huy nội lực, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhờ đó Chương trình Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, hoàn thành mục tiêu và Kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVII, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng: Cần khắc phục những hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng sản phẩm có thương hiệu... (Ảnh: BTH)

Cùng với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và Xây dựng NTM, như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ phát triển cao su; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung; khuyến khích phát triển giao thông nông thôn; hỗ trợ thôn, xã, huyện xây dựng NTM; để lại nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho các xã xây dựng NTM; khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở phong trào thi đua “Chung sức Xây dựng NTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh phát động, các cấp, các ngành đã hưởng ứng tích cực và đã có nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực. Ủy ban MTTQ các cấp đã hỗ trợ sửa chữa và làm mới 10.813 căn nhà cho các hộ nghèo với số tiền 179 tỷ đồng. Hội Nông dân vận động hội viên đóng góp hơn 119,6 tỷ đồng; xây dựng 1.046 mô hình Hội Nông dân bảo vệ môi trường.

Về phía tỉnh Đoàn thanh niên đã tổ chức 76.600 buổi dọn VSMT; đào 10.500 hố rác gia đình và 1.908 hố rác tập trung tại thôn bản, hỗ trợ hơn 1.000 thùng đựng rác, làm mới và tu sửa 350 km đường giao thông nông thôn, 270 km kênh mương nội đồng; huy động hàng chục ngàn ngày công của đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”; thực hiện tuyến đường “Thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp”. Hội Cựu chiến binh tỉnh vận động hội viên hiến 105,13 ha đất để xây dựng công trình phúc lợi; hỗ trợ xóa 868 nhà tạm dột nát, trồng 272.600 cây xanh, tham gia xây dựng 3.360 km đường giao thông, nạo vét trên 5.000 km kênh mương nội đồng.

Hiện nay, với 790 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm toàn tỉnh có 6.000 ha cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm

Dấu ấn nhiệm kỳ

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực; nông nghiệp giảm từ 76,3% từ đầu nhiệm kỳ xuống khoảng 69%; lâm nghiệp tăng từ 5,7% lên 8%; thủy sản tăng từ 17,9% lên 23%... Tổng sản lượng lương thực bình quân đạt 1,64 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu Kế hoạch. Trong trồng trọt, việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất hầu hết các cây trồng chính đều tăng.

Hàng năm, Thanh Hóa trồng trên 2 triệu cây phân tán, 10 nghìn ha rừng tập trung. Đến năm 2020, diện tích rừng gỗ lớn đạt 56 nghìn ha; luồng thâm canh 30 nghìn ha; dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94 nghìn ha...

Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt trên 180 nghìn tấn, tăng gần 37 nghìn tấn so với năm 2015. Khai thác thủy sản chuyển dịch tích cực từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc.... Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư nâng cấp...

Thanh Hóa hiện có 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao) và sẽ có 40 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 - 4 sao và có 1 sản phẩm đề xuất đạt 5 sao vào cuối năm 2020.

Thanh Hóa hiện có 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sẽ có 40 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 - 4 sao và có 1 sản phẩm đề xuất đạt 5 sao vào cuối năm 2020

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Kế thừa và phát huy các thành tựu đạt được của nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ qua, nông nghiệp Thanh Hóa tăng giá trị sản xuất bình quân 2,9%/năm; sản lượng lương thực có hạt 1,5 triệu tấn/năm. Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ che phủ rừng 54%; cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đáp ứng quy định ATTP trên 90%; 98,5% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh…

“Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cũng đã và đang giúp ngành nông nghiệp có sự chuyển mình theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập. Với 790 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm toàn tỉnh có 6.000 ha cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của toàn tỉnh lên 115 triệu đồng/ha/năm”. - ông Lê Đức Giang nhấn mạnh.

Tính đến tháng 6/2020, tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt trên 64%; bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ước đến năm 2020, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, trên 68% số xã sau sáp nhập, 45% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Hội nhập sâu rộng sau 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng NTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO