Thanh Hóa: Đất nông nghiệp "biến" thành xưởng tái chế bao bì

04/03/2015 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây tại khu vực xứ đồng Hà bãi thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc là đất thầu vào mục đích sản xuất nông nghiệp bỗng nhiên được hô biến thành xưởng kinh doanh tái chế bao bì của Công ty TNHH Minh Hải Đức.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất sai mục đích mà công ty này còn ngang nhiên xây dựng nhà trái phép trên đất giao thầu. Điều khó hiểu là trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu trong khi sự việc tiếp diễn nhiều năm?

đất nông nghiệp - tái chế bao bì 1
Nước sau sản xuất đục ngầu, đặc quánh và nổi váng

 

Có mặt tại xưởng kinh doanh tái chế bao bì của Công ty TNHH Minh Hải Đức ở thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc, cảnh tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là từng tầng vỏ bao bì được chất cao từ 2 – 3 m kéo dài từ ngoài cổng cho đến mọi ngõ ngách trong xưởng. Tiếng máy móc, động cơ chát chúa huyên náo cả một vùng quê. Ngay sát các dàn máy móc có nhiệm vụ tẩy trắng là các bể chứa nước, mỗi bể có diện tích chừng 6 m2 đục ngầu, nổi váng, thứ nước này chảy lênh láng, nhầy nhụa khắp xưởng. Ngay lúc PV tác nghiệp, trong xưởng có hàng chục công nhân lao động nhưng không người nào được trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cần thiết đảm bảo an toàn lao động.

Một người dân ở ngay sát xưởng tái chế cho biết: Đây là khu vực ngoại đê, bà con chỉ cải tạo sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng không hiểu sao xưởng tái chế này lại được xây dựng ở đây. Tính đến nay cũng đã đi vào hoạt động được chừng 5 năm, ô nhiễm tiếng ồn, bụi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nước sử dụng tẩy rửa được công ty lấy từ sông Lèn và nước sau sản xuất lúc đen ngòm, lúc đục ngầu cũng được chảy xuống sông khiến người dân bất an.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Minh – Giám đốc Công ty TNHH Minh Hải Đức cho rằng: Xưởng tái chế của công ty có công suất tẩy trắng 30.000 vỏ bao bì/ngày, vấn đề môi trường luôn được đảm bảo, có hệ thống phun nước chống bụi, nước tuần hoàn tái sử dụng không thải ra môi trường? Tuy nhiên, khi PV hỏi các thủ tục pháp lý cần thiết và được các cơ quan chức năng phê duyệt như: Bản cam kết BVMT hoặc đánh giá tác động môi trường, giấy phép khai thác nước mặt thì tất cả lại đều chưa có? Còn vấn đề bảo hộ lao động thì công ty không chịu trách nhiệm mà người lao động phải thân ai người đó lo? Ngoài ra, mảnh đất ngoại đê mà công ty đang sử dụng làm xưởng rộng đến 2.500 m2 nhưng lại hợp đồng giao thầu với xã Đại Lộc nhằm mục đích cải tạo đất hoang hóa vào sử dụng sản xuất nông nghiệp với giá trị 1 tạ thóc/năm. Năm 2010 thì xây dựng xưởng và đưa vào sản xuất và 2.500 m2 đất này chưa được chuyển sang đất sản xuất kinh doanh. Còn căn nhà ở kiên cố, khang trang án ngữ ngay trong xưởng tái chế là điều cần thiết vì theo bà Minh “của đi đâu, người đi đó để trông coi”?

Một góc xưởng tái chế
Một góc xưởng tái chế của Công ty TNHH Minh Hải Đức

 

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Huy Cần – cán bộ phòng TN&MT huyện Hậu Lộc khẳng định: Việc Công ty TNHH Minh Hải Đức sử dụng đất giao thầu ở thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc để sử dụng sang mục đích sản xuất kinh doanh, đi vào sản xuất khi chưa hề có bất kỳ thủ tục pháp lý nào là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Còn việc xây nhà trái phép gần một năm nay thì vị cán bộ này chưa nắm được và hứa sẽ báo cáo lãnh đạo cho kiểm tra ngay lập tức để có biện pháp xử lý, cần thiết sẽ đình chỉ sản xuất.

PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã nhiều liên lạc làm việc nhiều lần qua điện thoại với ông Đào Văn Yến – Chủ tịch UBND xã Đại Lộc về vấn đề này nhưng đều cáo bận.

Rất mong Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.

Bài & ảnh: Nguyễn Dũng- Anh Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đất nông nghiệp "biến" thành xưởng tái chế bao bì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO