Thanh Hóa: Còn nhiều bất cập về xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện đa khoa

24/05/2018 05:44

(TN&MT) – Nhờ được sự đầu tư về cơ sở vật chất, một số bệnh viện đa khoa công lập tuyến huyện tại tỉnh Thanh Hóa đã có hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số ít cơ sở vẫn còn một số tồn tại chưa được khắc phục triệt để…

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng gần 50 bệnh viện gồm công lập và tư nhân. Cùng với đó là các cơ sở trạm y tế, cơ sở y tế dự phòng nên lượng rác thải y tế cũng từ đó mà phát sinh rất lớn.

Được biết, vào khoảng tháng 07/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại một số bệnh viện đa khoa công lập tuyến huyện và phát hiện một số cơ sở vẫn còn tồn tại về việc quản lý chất thải y tế.

20180518 085151
Tại một số bệnh viện vẫn còn tận dụng việc sử dụng lò đốt để xử lý chất thải rắn (trong đó chủ yếu là xử lý chất thải nguy hại, vật sắc nhọn) việc sử dụng lò đốt vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường

Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa Bỉm Sơn, kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống xử lý nước thải tập trung không vận hành, chất lượng nước thải ra ngoài môi trường còn nhiều chỉ tiêu vượt QCVN. Trong khi đó, về xử lý chất thải rắn thì lò đốt không vận hành thường xuyên, hiệu quả xử lý không cao, quá trình đốt phát sinh nhiều tro xỉ, chất trơ…

Bên cạnh đó, tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành đến thời điểm giữa 2017 vẫn còn một loạt tồn tại như: Chưa lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT; chưa được cấp sổ đăng ký chủ nguồn phát sinh chất thải nguy hại; hệ thống xử lý nước thải chưa được cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép khai thác nước dưới đất.

Nghiêm trọng hơn, theo kết quả kiểm tra, tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành không có HTXLNT tập trung (theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, năm 2010 bệnh viện có chủ trương di dời sang vị trí mới do đó bệnh viện chưa đầu tư HTXLNT tập trung). Nước thải y tế phát sinh chỉ được xử lý sơ bộ trước khi thải trực tiếp ra môi trường, lò đốt chất thải y tế đã hư hỏng, xuống cấp, không thể sử dụng…

33475177 1016431975192366 7665963745104887808 n
Khu xử lý nước thải được đầu tư tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thành

Để tìm hiểu sự việc, giữa tháng 05/2018, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành ghi nhận việc quản lý, xử lý chất thải y tế tại một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo ghi nhận của PV, việc xử lý chất thải y tế đã được chia theo mô hình cụm cơ sở y tế. Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành (cơ sở mới), Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc, Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống cho thấy, công tác xử lý chất thải y tế đã được đầu tư hiện đại, có hệ thống xử lý chất thải lỏng liên hoàn, liên tục theo một chu kỳ kín, nước thải y tế được thu gom trong một hệ thống ông dẫn riêng sau đó xử lý trong khu xử lý chất thải lỏng và chỉ được xả thải khi nước thải đầu ra đạt các tiêu chuẩn lý, hóa và sinh học cho phép.

Về xử lý chất thải rắn, bệnh viện này đã được đầu tư mới hoàn toàn một khu phức hợp chất thải rắn lây nhiễm cho cụm thêm cho các huyện Vĩnh Lộc và Cẩm Thủy theo công nghệ hoàn toàn mới, kết quả quan trắc cho thấy chất thải sau khi được xử lý là đảm bảo môi trường.

Các thiết bị xử lý chất thải y tế cũng đã được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi đầy đủ thông tin vào sổ nhật ký vận hành thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế.

33156292 1016431061859124 1932761856162660352 n
Nhờ việc xử lý chất thải theo cụm nên việc quản lý chất thải tại các bệnh viện đã cơ bản khắc phục được các tồn tại trước đó

Theo tìm hiểu, năm 2016, tỉnh Thanh Hóa nhận nguồn tài trợ đầu tư từ dự án Bộ Y tế cho xây dựng 09 cụm xử lý rác thải bằng công nghệ không đốt, rác thải sẽ được thu gom và xử lý bằng công nghệ nghiền cắt và công nghệ tiệt trùng lò vi sóng hoặc hấp ướt liên hoàn, giảm thiểu triệt để việc gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường công tác quản lý chất thải y tế tại bệnh viện, ông Nguyễn Đình Tam - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thạch thừa nhận trước đây vẫn có một số tồn tại về việc quản lý chất thải y tế như Sở Tài nguyên và Môi trường đã nêu. Tuy nhiên, các tồn tại là ở cơ sở cũ, còn khi chuyển về cơ sở mới, bệnh viện đã được đầu tư cơ sở vật chất hiện tại nên các tồn tại đã cơ bản được khắc phục.

“Trước đó, bệnh viện chưa chuyển về trụ sở mới thì đúng là thực trạng này có diễn ra tại bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư mới về cơ sở vật chất cũng như các hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn với công nghệ nước ngoài thì bệnh viện đã khắc phục được các tồn tại đó”, ông Tam khẳng định.

Cũng theo ghi nhận của PV, tại một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện khác như: Bệnh viện đa khoa huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, Như Thanh… dù đã có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu, nhưng về công tác xử lý chất thải rắn vẫn còn chưa khắc phục triệt để tồn tại.

Ghi nhận cho thấy, tại một số bệnh viện trên hệ thống xử lý nước thải cũng được thực theo một chu kỳ kín, nước thải y tế được thu gom trong một hệ thống ông dẫn riêng sau đó xử lý trong khu xử lý chất thải lỏng và chỉ được xả thải khi nước thải đầu ra đạt các tiêu chuẩn lý, hóa và sinh học cho phép, kết quả quan trắc của cơ quan chức năng về nước thải đều nằm trong giới hạn cho phép.

Trong khi đó, về xử lý chất thải rắn, các bệnh viện này vẫn chưa có hệ thống hiện đại để tự xử lý và hiện đang thực hiện thu gom và chuyển về cụm theo hướng dẫn của Sở Y tế để xử lý, các Bệnh viện đa khoa Bỉm Sơn, Hà Trung, Hoàng Hóa đều thu gom và vận chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc để xử lý, còn tại các huyện Như Thanh, Như Xuân được thu gom và vận chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống để xử lý.

33491873 1016431861859044 7638845532051341312 n
Bệnh viện đa khoa Như Thanh còn nhiều tồn tại trong quá trình xử lý rác thải y tế?

Tuy nhiên, tại một số bệnh viện vẫn còn tận dụng việc sử dụng lò đốt để xử lý chất thải rắn (trong đó chủ yếu là xử lý chất thải nguy hại, vật sắc nhọn) việc sử dụng lò đốt vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế thì ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tại một số bệnh viện chất thải lây nhiễm chưa được thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải chưa được buộc kín, thùng đựng chất thải chưa đáp ứng đúng quy định.

Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo bệnh viện thừa nhận vẫn còn sử dụng lò đốt để xử lý các chất thải rắn như vật sắc nhọn. Các chất thải sau khi đốt ra được chôn dưới hầm bê tông ngay trong khu xử lý chất thải để đảm bảo môi trường.

“Hiện nay, nhờ việc xử lý chất thải theo cụm nên việc quản lý chất thải tại các bệnh viện đã cơ bản khắc phục được các tồn tại trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số chất thải rắn và công nghệ mới chưa thể xử lý được là các vật sắc nhọn nên chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp xử lý bằng lò đốt”, đại diện lãnh đạo một bệnh viện cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện một số bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa bằng hành động thiết thực của các cấp ban ngành để công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương được cải thiện toàn diện, sức khỏe người dân được nâng cao.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Còn nhiều bất cập về xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện đa khoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO