Thành công của COP 21 và những nỗ lực của Việt Nam

14/12/2015 00:00

(TN&MT) - Hội nghị COP 21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, và là bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21.

Cái làm nên thành công của COP 21 chính là sự hợp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt  màu da, chủng tộc hướng đến một trái đất an toàn. Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗ lực ấy.

Ngay trong phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài việc đóng góp về tài chính, Việt Nam còn cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Những cam kết về tài chính cũng như giảm phát thải của Việt Nam có thể còn nhỏ so với cộng đồng quốc tế song lại có tác dụng như một cú hích góp phần thúc đẩy các quốc gia cùng có các hành động hướng đến mục tiêu bảo vệ trái đất.

Dấu ấn quan trọng của Việt Nam tại COP 21 lần này là chuỗi sự kiện  bên lề - Vietnam Pavillion lần đầu tiên được tổ chức. Gian hàng của Việt Nam nằm ở ô số 46, khu vực hội nghị 3. Gian hàng này quan trọng hơn khi mỗi ngày có 1-2 phiên đối thoại giữa phái đoán Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế về nhiều chủ đề quan trọng của COP 21. Đây là cách Việt Nam nói lên tiếng nói của mình tại hội nghị về biến đổi khí hậu quan trọng nhất hành tinh này.

Chương trình Vietnam Pavillion diễn ra từ ngày 2 đến 8/12 gồm 10 chủ đề chính bao gồm: Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định: thách thức và cơ hội từ việc xây dựng và thực hiện; Theo dõi tài chính khí hậu quốc tế cho phát triển bền vững; Chuyển tiếp phát triển Cácbon thấp và Tăng trưởng xanh; Hội thảo chung Việt Nam và Hàn Quốc: Ứng phó với biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh; Hợp tác với ASEAN về biến đổi khí hậu và tầm nhìn sau 2015…

Sự vui mừng khi Thỏa thuận Paris được thông qua

Tại chuỗi sự kiện bên lề này, Việt Nam đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp để thực hiện từng vấn đề cụ thể. Tại đây, Việt Nam nhận rõ khó khăn trong việc thực hiện “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC): thách thức và cơ hội từ việc xây dựng và thực hiện”, là thiếu dữ liệu, khả năng phân tích hạn chế. Bởi thế điều quan trọng là phải xây dựng các bước thực hiện INDC có tính khả thi, phù hợp với thực tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với một quốc gia đang bị biến đổi khí hậu đe dọa từng ngày, việc thích ứng quan trọng hơn giảm phát thải, tăng trưởng xanh. Điều đó không sai. Thích ứng là việc cần làm ngay để duy trì sự sống còn. Nhưng cái đảm bảo tương lai của Việt Nam về lâu dài là giảm phát thải, phát triển bền vững. Tìm kiếm các đối tác để tăng trưởng xanh là một mục tiêu của Việt Nam.

Tại COP 21, Việt Nam đã tăng cường đối thoại với các quốc gia nhằm tìm kiếm các đề xuất về giải pháp, phương thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì đối thoại cấp cao với Thủ tướng Hà Lan và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Thủ tướng cũng đã tiếp xúc song phương với 24 lãnh đạo các quốc gia các tổ chức tại COP 21.

Ở cấp độ chuyên môn, Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì đối thoại với Hàn Quốc tại COP 21 về tăng trưởng xanh; tham gia hội nghị cấp cao lần thứ 3 giữa các quốc gia tham gia Cơ chế tín chỉ chung (JMC). Thứ trưởng cũng đã gặp gỡ, trao đổi với chuyên gia các nước tại các hội thảo bên lề do Việt Nam tổ chức.

Tại các hoạt động đối thoại, hợp tác này, các quốc gia đều cởi mở chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, đề xuất các giải pháp giúp Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đối tác đều ủng hộ và sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, phát triển bền vững của Việt Nam…

Cùng với nội lực của mình và sự hỗ trợ của các quốc gia, ngay sau khi Thỏa thuận được thông qua, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam cần khẩn trương để thực hiện các trình tự, thủ tục trong nước để phê duyệt cùng các nước Thoả thuận, đưa Thỏa thuận này có hiệu lực.Việt Nam cũng phải chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp một cách bài bản, tổng thểđể đạt được các mục tiêu đã cam kết. Đồng thời chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác thực hiện Thoả thuận lịch sử này và tạo ra một xã hội các bon thấp tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành công của COP 21 và những nỗ lực của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO