Xã hội

Báo chí trong dòng chảy cách mạng

TS. Đặng Duy Báu 21/06/2024 - 10:51

(TN&MT) - Nhận biết được vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã sớm tiếp cận với báo chí. Người đã sáng lập báo Thanh niên, ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Kể từ đó, báo chí cách mạng đóng vai trò chủ đạo cùng với các tổ chức báo chí yêu nước tiến bộ góp phần quan trọng trên mặt trận tuyên truyền để tập hợp quần chúng đứng lên đấu tranh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng và của Nhân dân ta.

Tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng gắn liền với đường lối cách mạng của Đảng, còn hệ thống báo chí nói chung (không kể đến báo chí phản động), ra đời từ cuối thế kỷ 19 vừa có phần chung giao thoa với nền báo chí cách mạng như yêu cầu dân sinh, dân chủ, chống áp bức bóc lột, đấu tranh đòi giải phóng dân tộc..., nhưng vẫn có những khác biệt như thiếu định hướng chính trị, thiếu sự kiên định, dao động về tư tưởng. Công bằng mà nói trước biến động của thời cuộc, với sự nhạy cảm của người làm báo thì lực lượng báo chí này cũng đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

hinh-anh-cac-nha-bao-tai-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-trung-bay-tai-bao-tang..jpg
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Cái nôi của những hạt nhân báo chí cách mạng.

Trên tổng thể, từ sự ra đời phôi thai như là Gia Định báo (1865 - 1910), Đại Nam đồng văn nhật báo (1891 - 1907), Nông cổ min đàm (1901 - 1921)… cho đến khi xuất hiện báo chí cách mạng (1925)… đã có sự đan xen giữa báo chí cách mạng với báo chí có xu hướng tiến bộ như Công luận báo (1916 - 1939), Nam phong tạp chí (1917 - 1939), Phong hóa - ngày nay (1932 - 1940), Tri tân (1941 - 1946)… Một bộ phận báo chí tiến bộ trong vùng tạm chiếm và ở miền Nam trước giải phóng với nhiều sắc thái và hình thức khác nhau với xu hướng tiến bộ như Việt bút, Văn hóa, Việt báo Tân việt, Tia sáng, Sài gòn mới… đều góp phần tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, đòi quyền dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội, thống nhất đất nước…

Hệ thống báo chí nằm ngoài tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng qua các giai đoạn lịch sử đều dưới sự chi phối của cơ chế thị trường, vai trò cá nhân của chủ báo gắn liền với sự cạnh tranh, đua chen, trục lợi, cơ hội, đồng thời cũng phải chịu sự kiểm duyệt và quản lý nghiêm ngặt của chính quyền thực dân. Trong điều kiện như vậy nhưng báo chí với đội ngũ ký giả tự do đa phần là trí thức vẫn bằng nhiều cách để đề cao truyền thống văn hóa dân tộc, khơi gợi tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Như là chủ bút tạp chí Nam phong Phạm Quỳnh (1892 - 1945) với phương châm cách tân thích hợp, đề xuất việc học quốc ngữ, đã chủ động rung lên tiếng chuông trước quốc dân đồng bào và các nhà chức trách đương thời về quyền lợi dân tộc và tiến bộ xã hội... Hay như Phan Khôi (1887 - 1959) đã cùng với hàng ngũ báo giới Bắc - Trung - Nam phát động cuộc tranh đấu đòi giảm sưu thuế, đòi quyền dân chủ, chống áp bức bóc lột… Rồi đến như Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) là nhà thơ trẻ góp phần khơi nguồn phong trào Thơ mới, nhưng lại là người có nhiều ghi chép, phóng sự đăng trên các mặt báo, tạp chí thể hiện lòng nhân ái, tình yêu đất nước, ca ngợi các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.

Có thể nói từ khi báo Thanh niên ra đời (1925), báo chí cách mạng mặc dù hoạt động bí mật, nửa bí mật nhưng đã có tác động đến bộ phận báo chí công khai, cuốn hút họ cùng chung sức để góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng hướng đến thành công Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 1975, báo chí trong vùng Pháp tạm chiếm (1945 - 1954) ở Hà Nội và báo chí ở miền Nam bước vào thời kỳ chuyên nghiệp hóa và ý thức rõ về vai trò của ngôn luận. Suốt chặng đường dài, ở miền Nam, đã xuất hiện nhiều học giả, chủ bút mang tầm đương đại như Nguyễn Kim Bắc, Trần Ngọc Sơn, Lý Quý Chung, Phạm Thế Truyền, Thanh Lộc, Lý Chánh Trung… Mặc dù báo chí công khai hướng theo quy luật thị trường phát triển tự nhiên có sự phân hóa và phân cực nhưng các nhà báo chân chính vẫn ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nói lên tiếng nói chính nghĩa, tố cáo tội ác bọn xâm lược và ngụy quân, ngụy quyền… phù hợp với đường lối cách mạng của Đảng và Mặt trận giải phóng.

bao.jpg

Ở Việt Nam, báo chí ra đời chủ yếu vào đầu thế kỷ XX, qua một thời gian phát triển thì bắt gặp được dòng báo chí cách mạng. Từ trong đêm đen nô lệ, Báo Thanh niên như một tia sáng mang tầm thời đại đã bắt nhập được xu thế và mở rộng khả năng tuyên truyền, phối hợp liên kết, góp phần gây dựng thành các phong trào như vô sản hóa, Đông kinh nghĩa thục, Mặt trận bình dân, Mặt trận Việt Minh… Dòng báo chí cách mạng đã giác ngộ, gây dựng, lôi cuốn được số đông những văn nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi đương thời từng gắn bó với các tổ chức Tự lực văn đoàn, Báo phong hóa - Ngày nay như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... giúp họ chuyển hóa, gia nhập vào nền văn học và báo chí cách mạng.

Điểm qua những chặng đường phát triển của báo chí Việt Nam cho thấy mối quan hệ giữa dòng báo chí cách mạng đóng vai trò chủ lưu và các chi lưu theo xu hướng tiến bộ có sự tiếp nối, kế thừa và giao thoa; song nền báo chí cách mạng luôn đóng vai trò chủ đạo và định hướng cho nền báo chí Việt Nam trong tiến trình đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường Đảng vạch ra.

Trưởng thành cùng đất nước, trải qua nhiều chặng đường của cách mạng, các chi lưu với sự từng trải và nhạy cảm ngày càng nhận rõ được sự đúng đắn và tất yếu của con đường cách mạng đã hội nhập vào dòng chủ lưu của báo chí cách mạng, để rồi cùng phát triển và hướng tới những phương thức hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, đa dạng, phong phú.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, trước xu thế hội nhập của không gian mạng và với nhiều nguồn thông tin đa chiều, báo chí càng cần phải xác định rõ vai trò định hướng quan trọng, là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí trong dòng chảy cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO