Biến đổi khí hậu

Tháng 8 Biển Đông không có bão, sắp tới liệu thiên tai có khốc liệt?

Khánh Ly (thực hiện) 31/08/2024 10:15

(TN&MT) - Từ đầu mùa bão đến nay, châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng hứng chịu các đợt bão lớn, mưa lớn gây nhiều hậu quả nặng nề.

Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến tình trạng này và dự báo mùa bão năm nay của Việt Nam diễn biến ra sao? Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia để làm rõ vấn đề này.

mai-van-khiem-399.jpg.jpg
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PV: Thưa ông, thời gian qua vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương liên tiếp xuất hiện bão, thậm chí là bão rất mạnh và có ảnh hưởng đến các nước vùng Đông Á. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Ông Mai Văn Khiêm: Từ đầu mùa bão 2024, khu vực biển Tây Bắc Thái Bình Dương đã chứng kiến sự xuất hiện của 10 cơn bão, trong đó có 5 cơn bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia Đông Á. Đặc biệt, ba cơn bão mạnh mẽ là Geami, Ampil và Shanshan đã đổ bộ vào Nhật Bản và Trung Quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai quốc gia này. Năm 2024 không phải là năm duy nhất chứng kiến tình trạng này; năm 2023 cũng đã ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết bất thường ở khu vực Châu Á và Đông Á.

Theo báo cáo của tổ chức Khí tượng thế giới, sự gia tăng các hiện tượng thiên tai cực đoan, nhất là các cơn bão mạnh đã được ghi nhận trong những năm qua ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có liên quan mật thiết đến tình trạng biến đổi khí hậu.

untitled.png
Hình ảnh vệ tinh của 3 cơn bão Geami, Ampil và Shanshan vùng Bắc Thái Bình Dương. Nguồn: NOAA

Ngày 23/4/2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố báo cáo về tình trạng khí hậu ở Châu Á trong năm 2023. Theo báo cáo, Châu Á tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai với khoảng 80% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận ở Châu Á liên quan đến lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng. Trong khi tác động của sự gia tăng nhiệt độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Báo cáo nêu rõ, khu vực châu Á đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ bề mặt biển ở vùng biển Bắc Tây Thái Bình Dương đạt mức cao kỷ lục. Năm 2023 ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ, bao gồm các năm nóng nhất ở Nhật Bản và Kazakhstan.

anh-nhat-ban.jpeg
Với sức gió lên tới 252 km/h, bão Shanshan đổ bộ hôm 29/8 là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Nhật Bản kể từ năm 1960

Tổ chức Khí tượng Thế giới và Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc đang hợp tác để nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách dựa trên bằng chứng và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các dịch vụ khí hậu và dự báo để quản lý rủi ro và thích ứng với những thách thức ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Tóm lại, sự xuất hiện của nhiều cơn bão mạnh trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương từ đầu mùa bão 2024 được đánh giá là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố khí hậu, biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là ở khu vực Châu Á. Việc theo dõi và nghiên cứu các yếu tố này sẽ giúp hiểu rõ hơn về hiện tượng và cải thiện khả năng dự báo và ứng phó với các cơn bão trong tương lai.

PV: Thưa ông, dù trong mùa mưa bão nhưng tháng 8 không có bão, thậm chí là áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên Biển Đông. Điều này có gì bất thường?

Ông Mai Văn Khiêm: Tháng 8/2024 đúng là một tháng có nhiều điều bất thường, nền nhiệt trung bình cả nước tháng 8/2024 đạt 28.3 độ C - cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc được.

Trong tháng 8/2024 cũng không xuất hiện cơn bão/ATNĐ nào trên Biển Đông. Nếu tính từ năm 1963 tới giờ, chỉ có 5 năm là 1980, năm 1985, năm 1988 mà tháng 8 không xuất hiện bão/ANTĐ xuất hiện trên Biển Đông. Nếu tính cả tháng 8 năm 2024, từ năm 1963 tới giờ mới có 6 năm tháng 8 không xuất hiện bão/ATNĐ trên Biển Đông.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục biến động khó lường.

anh-dao-phu-quy-song.jpg
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục biến động khó lường

Đến nay, hệ thống khí quyển Trái đất đã chuyển sang trạng thái trung tính khi nhiệt độ bề mặt nước biển sau một năm duy trì hình thế El Nino (từ tháng 5/2023).

Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao là hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2024 với xác suất 60-70%. Sau đó tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70-80%.

PV: Trước mắt trong tháng 9, dự báo thời tiết Việt Nam sẽ ra sao dưới ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Dự báo hoạt động của Bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (TBNN là từ 2 - 3 cơn), tập trung vào giai đoạn cuối của tháng 9/2024.

Mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên bắt đầu giảm nhưng vẫn cần đề phòng xuất hiện các trận mưa lớn cục bộ, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải được cảnh giác ở mức cao.

Từ tháng 9, xác suất khu vực Trung Bộ cũng bắt đầu xuất hiện các đợt mưa lớn nhiều hơn tháng 8. Dự báo tổng lượng mưa ở Trung Bộ cao hơn TBNN. Vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ tiếp tục có cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

PV: Số lượng bão từ nay đến cuối năm liệu có nhiều hơn TBNN, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN (TBNN có khoảng 6 - 7 cơn). Trong đó, số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn (TBNN có khoảng 3 - 4 cơn), tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Nguy cơ tác động đến hoạt động tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Với kịch bản xuất hiện của La Nina thì khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông sẽ cao hơn bình thường.

456514991_932989492198631_7048787380450179570_n.jpg
Mưa lớn gây trượt lở, sập đổ nhà cửa của người dân vùng núi phía Bắc

Mưa lớn tập trung chính vào tháng 10 - 11/2024. Mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 11 ở Tây Nguyên và Nam Bộ và khoảng nửa cuối tháng 12/2024 ở Trung Bộ).

Từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các nguy cơ:

Lương mưa nhiều, lớn hơn bình thường ở ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt, và ngập lụt đô thị

Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cũng tăng cùng với lượng mưa gia tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao nơi có tính chất đất không ổn định.

Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc cả trên đất liền và trên biển, mưa lớn cực đoan thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 8 Biển Đông không có bão, sắp tới liệu thiên tai có khốc liệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO