Lượng mưa trong tháng 7 cao hơn trung bình nhiều năm
(TN&MT) - Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và môi trường), trong cả tháng 7/2024, khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn 30 - 55% so với trung bình cùng thời kỳ. Việc có nhiều ngày mưa lớn đã khiến kết cấu đất nhiều khu vực bị bão hoà, do đó rất dễ dẫn đến việc sạt lở đất.
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với PGS.TS Mai Văn Khiêm để làm rõ hơn xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những điểm nổi bật từ diễn biến mưa lũ thời gian qua?
Ông Mai Văn Khiêm: Từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực Bắc Bộ diễn ra tình trạng mưa nhiều, mưa với cường suất lớn, trong đó đáng chú ý là các đợt mưa 4-10/6, 23-27/6; 14-19/7; 23-25/7 và đợt mưa từ ngày 28/7 đến nay, ngoài các đợt mưa lớn diện rộng còn có các ngày xuất hiện mưa rào và dông.
Tổng lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 6/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong đó các trạm quan trắc ở các tỉnh phía Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ đạt mức cao hơn từ 20 - 60%.
Trong cả tháng 7/2024, tại khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500mm, cao hơn 30 - 55% so với trung bình cùng thời kỳ. Cá biệt tại một số trạm quan trắc có lượng mưa tương đối lớn.
Cụ thể, khu vực Tây Bắc: tại trạm Sơn La 599mm (cao hơn 119% so với trung bình cùng thời kỳ); Cò Nòi 577mm cao hơn trung bình cùng thời kỳ 121%; Mai Châu 755mm cao hơn cao hơn trung bình cùng thời kỳ 124%; Hòa Bình 704mm cao hơn cao hơn trung bình cùng thời kỳ 98%.
Khu vực Việt Bắc, tại trạm Hà Giang 917mm cao hơn 65%; Bắc Quang 1058mm cao hơn 31%; Định Hóa 637mm cao hơn 76%, Phú Hộ 504mm cao hơn 97%.
Khu vực Đông Bắc, tại trạm Bãi Cháy 950mm cao hơn so với TBNN 123%; Cửa Ông 842mm cao hơn 65%; Móng Cái 851mm cao hơn 40%.
Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tại trạm Hoài Đức 685mm cao hơn 148%, Phủ Lý 638mm cao hơn 108%, Ninh Bình 593mm cao hơn 132%.
Riêng đợt mưa lớn diện rộng từ đêm 28/7 đến ngày 1/8 trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ (tập trung trên khu vực các tỉnh vùng núi và trung du), tổng lượng mưa tính từ 19h ngày 28/7 đến 19h ngày 1/8 trên các khu vưc phổ biến trong khoảng 100-200mm.
Cục bộ ở một số nơi đã có mưa rất to với lượng mưa trên 200mm như: Mường Tè (Lai Châu) 388mm; Chợ Đồn (Bắc Kạn) 366mm; Quang Bình (Hà Giang) 360mm; Chiêm Hoá (Tuyên Quang) 313; Móng Cái (Quảng Ninh) 351... Đặc biệt tại Định Hoá (Thái Nguyên) là 523mm. Mưa xảy ra dồn dập với lượng mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi.
PV: Nguyên nhân của các đợt mưa lớn là gì, thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm: Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng tác động của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới và hệ thống xoáy nguyên nhân chính đã gây mưa trên diện rộng cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bắc Bộ trong tháng 6 và tháng 7/2024. Đây cũng là hình thái gây mưa điển hình ở Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên.
Mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi. Trong đợt mưa diện rộng gần đây nhất, nguyên nhân chính được xác định do tác động của một vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển từ tầng thấp (1.500m) lên tầng cao (5.000m) kết hợp với hội tụ gió Tây Nam.
PV: Mùa mưa lũ ở miền Bắc đang bước vào cao điểm còn ở miền Trung cũng đang gần trước mắt. Dự báo diễn biến mưa lũ sẽ còn nguy hiểm như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Mai Văn Khiêm: Thời gian tới là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên chúng ta vẫn phải đối mặt với tính trạng xuất hiện các đợt mưa lớn cũng như hiện tượng mưa rào và dông, hệ quả nguy cơ gắn liền là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao.
Trong tháng 7/2024, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện nhiều ngày mưa lớn, khiến kết cấu đất bị bão hoà do đó rất dễ dẫn đến việc sạt lở đất. Trong thời gian tới cũng bước vào thời kỳ cao điểm của mưa lũ của khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ lũ quét, trượt lở đất tại các khu vực này vẫn có nguy cơ cao. Do đó, để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó sớm thì thiệt hại giảm đi đáng kể.
Dự báo xa hơn trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo trên và bắt đầu tác động đến nước ta vào các tháng cuối năm đúng thời kỳ mùa mưa, bão tập trung ở Trung Bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp cần phải lưu ý ứng phó. Thống kê cho thấy, trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa thu.
Vì vậy các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) đã tự vận hành hệ thống mô hình dự báo thời tiết số có độ phân giải đến 3 km, tiến tới sẽ đạt mức 1-2 km, cho phép tích hợp các số liệu như radar, đo đạc tự động giúp nâng cao được khả năng chất lượng dự báo.
Hầu hết các bản tin KTTV nguy hiểm được ban hành sớm hớn trước đây từ 30 phút đến 1h. Đây là những nỗ lực rất lớn của Ngành KTTV trong thời gian qua nhằm đưa thông tin dự báo được ban hành sớm hơn, giúp người dân địa phương và các cấp chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan có thêm những khoảng thời gian quý báu rất quan trọng cho ứng phó với thiên tai nguy hiểm.