Thẩm quyền của Cảnh sát môi trường trong xử lý vi phạm môi trường

Báo TN&MT| 12/05/2021 16:29

(TN&MT) -  Xin hỏi, hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân, Cảnh sát môi trường khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường?

Trả lời: Theo ý kiến của Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về phân định thẩm quyền của lực lượng công an nhân dân, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân. Những quy định này là phù hợp với các quy định trước đó tại Luật Công an nhân dân; Pháp lệnh cảnh sát môi trường năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Việc phân định rõ thẩm quyền của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an nhân dân tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã phát huy vai trò tích cực trong việc giảm chồng chéo và tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra tại mỗi doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát, phòng chống tội phạm về môi trường tại khoản 3 Điều 160 cụ thể: “Lực lượng cảnh sát, phòng chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp;

Phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để tổng hợp, theo dõi”.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền của Cảnh sát môi trường trong xử lý vi phạm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO