Thái Nguyên: Dồn điền đổi thửa - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới

11/05/2018 20:31

(TN&MT) - Thái Nguyên là tỉnh trung du có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Bắt tay vào việc này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái...

(TN&MT) - Thái Nguyên là tỉnh trung du có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Bắt tay vào việc này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đồng thuận tập trung trí tuệ, sức lực và tài chính, lựa chọn thực hiện  mô hình thí điểm “ dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất” để xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Bình. Mô hình bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Thái Nguyên: Dồn điền đổi thửa - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Cánh đồng ô thửa manh mũn trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa
Để dịch chuyển nền nông nghiệp truyền thống của tỉnh Thái Nguyên từ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung và mang đặc thù tập quán canh tác địa phương trở thành một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn là việc rất khó khăn. Bởi thế, từ năm 2010, thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bẩy, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn,  UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu: Tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 7 năm sau, ngày 05/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2018/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020 nhằm phát huy và sử dụng mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Thái Nguyên: Dồn điền đổi thửa - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cùng thành viên trong Đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Tân Đức (Phú Bình)
Với các mục tiêu tổng quát như sau: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tăng trưởng ngành; phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và tạo ra sức cạnh tranh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn; gắn với thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới;Tăng cường quản lý tài nguyên thiên thiên nhiên; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
3-Thái Nguyên: Dồn điền đổi thửa - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Cánh đồng mẫu lớn trồng 1 giống lúa SRI năng xuất, chất lượng cao tại xã Úc Kỳ, huỵện Phú Bình sau khi dồn điền, đổi thửa
 Để thực hiện được các mục tiêu lớn như vậy, rất cần hội tụ nhiều điều kiện quan trọng như: Cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác thống nhất ý chí toàn dân; Huy động nguồn vốn lớn phục vụ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Cần tư liệu sản xuất là ruộng đất tập trung; Cần khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao; Cần nhà đầu tư chiến lược trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn…Do vậy, tỉnh Thái Nguyên đã chọn khâu “chuẩn bị tư liệu sản xuất tốt” làm bước đột phá tháo gỡ mọi khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Khâu này chính là thực hiện cuộc vận động dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tập trung được thí điểm tại 3 xã Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ của huyện Phú Bình. Mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa có quy mô 226ha đã được quy hoạch và xây dựng các xã trên. Với mục tiêu đề ra là hàng năm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất trung bình đạt từ 5,5 tấn/ha và lựa chọn những giống lúa cho năng suất có chất lượng hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các địa phương tham gia sẽ được xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung.
 
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trần Quốc Tỏ đã có ý kiến nhấn mạnh về vấn đề này: “Dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tạo ra nông sản hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Góp phần tăng năng xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tỉnh ủy hoan nghênh tin thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng của của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Phú Bình và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn. UBND tỉnh cần ban hành cơ chế, chính sách trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, sử dụng kinh phí, gắn chặt dồn điền đổi thửa với xây dựng nông thôn mới. Đối với huyện Phú Bình cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng và bàn giao đất cho bà con sản xuất vụ xuân 2018...”.
 
Đến nay, huyện Phú Bình đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công; lập quy hoạch, công bố quy hoạch và tổ chức cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa; thành lập BCĐ dồn điền đổi thửa cấp huyện, xã và các tiểu ban ở từng xóm; xây dựng hạ tầng sau dồn điền… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên cơ bản người dân đã thay đổi nhận thức và đồng thuận, ủng hộ. 3 xã được lựa chọn xây dựng cánh đồng mẫu lớn là Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ đã tiến hành dồn điền đổi thửa được trên 170/226ha, vượt trên 75% kế hoạch. Đồng thời, tiến hành đào, đắp mới hơn 32km đường nội đồng, đường bờ vùng, bờ thửa; đắp mới trên 14km kênh mương nội đồng. Ngoài ra, bà con ở 3 xã đã bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như áp dụng quy trình canh tác cải tiến kỹ thuật mới. Vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Vũ Hồng Bắc đã đến thăm cánh đồng mẫu lớn và có ý kiến đánh giá, nhận xét: “Việc dồn điền đổi thửa tại huyện Phú Bình bước đầu đã có những thuận lợi, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, việc chỉ đạo triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm so với yêu cầu. Vì vậy, các sở, ban, ngành liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để giúp huyện làm tốt việc dồn điền, xây dựng hạ tầng, phương án tổ chức sản xuất và đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau khi dồn điền. Về kinh phí hỗ trợ, tỉnh sẽ xem xét, huy động tổng hợp các nguồn lực chứ không chỉ riêng tiền ngân sách Nhà nước”.
4
Đường giao thông nội đồng sắp được bê tông hóa trên cánh dồng mẫu lớn ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình về tiến độ đồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì được biết: “Công việc dồn điền đổi thửa là một việc làm khó. Huyện đã chỉ đạo cán bộ tích cực vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân đồng tình ủng hộ, góp ruộng đất tập trung trước khi san lấp ruộng thành lô, khoảnh trên cánh đồng. Ban đầu người dân lưỡng lự, thắc mắc nhiều về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, giải quyết việc làm…chúng tôi đã giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng cho bà con hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Quá trình này rất mất thời gian nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ. Thứ nữa, là khi người dân thấu hiểu, đồng thuận thì gặp lúc mùa vụ chưa thu hoạch nên lại phải đợi người dân gặt hái. Mặt khác, thời tiết mưa nhiều không ủng hộ việc san lấp, vun đắp bờ bãi, chia lô khoảnh. Đặc biệt, kinh phí xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu lớn như bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, công xá cho thi công cũng chưa có được cơ chế, quy định, quy chế rõ ràng để huyện chi ngân sách nên còn lúng túng. Vì vẫn phải đợi cấp trên cho ý kiến mới dám thực hiện cho chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng tiến độ xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của hàng nghìn hộ dân đồng thuận góp ruộng đất vào cánh đồng lớn. Đến nay, công tác tổ chức sản xuất đã thực hiện trong vụ đông xuân 2018 này được 160ha/226ha lúa hữu cơ chất lượng cao và giống lúa SRI trên các cánh đồng mẫu.” Cũng theo ông Hoàng Thanh Giao, chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết thêm, việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho địa phương và người nông dân. Cụ thể như: Công tác quản lí đất đai, môi trường cũng đơn giản, dễ dàng hơn. Có mặt bằng tốt sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nông sản đạt chất lượng, năng xuất cao, có đầu ra ổn định. Người nông dân được canh tác trên cánh đồng có hạ tầng tốt, được trang bị kỹ thuật cao, giảm sức người trong lao động sản xuất trên đồng ruộng, thay thế vào đó là máy móc, cơ giới hóa hiện đại. Sản xuất tập trung, tập trung sản xuất sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh, do thiên tai úng lụt…Điều đó tạo ra năng xuất cao và cho họ thu nhập cao hơn trước đây.
 
Việc tỉnh Thái Nguyên chọn huyện Phú Bình làm thí điểm việc dồn điển đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn nên bước đầu đã có những thuận lợi, được người dân đồng thuận, ủng hộ cao. Một điều đúng đắn dễ nhận thấy là khi chọn khâu dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp có quy mô hàng hóa lớn. Đồng thời, tạo cú hích mạnh vào việc xây dựng nông thôn mới thành công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Dồn điền đổi thửa - bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO