Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai
Mùa mưa năm 2020, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu những đợt bão, lũ, sạt lở đất trên diện rộng, thời gian kéo dài, cường độ mạnh, vượt mức lịch sử và chưa từng có trong nhiều năm qua. Lũ quét, sạt lở đất vùi lấp nhiều người là nỗi đau, ám ảnh đối với nhân dân cả nước. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2020 trên 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể và đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu thiên tai, lũ quét ở khu vực miền Trung nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Chính vì vậy, cần có giải pháp lâu dài về ứng phó với thiên tai, nhất là để giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất, bao gồm cả việc sắp xếp bố trí dân cư một cách bền vững, khoa học; tăng độ che phủ rừng... Cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp cảnh báo sớm thiên tai, lũ quét...
TS. Hoàng Ngọc Tuấn cho rằng cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại Quảng Nam |
TS. Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, công tác dự báo về lũ quét và sạt lở đất rất khó, kể cả trên thế giới bởi đây là một loại thiên tai xảy ra do tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính. Hiện nay cách tiếp cận của thế giới và Việt Nam chủ yếu là cảnh báo các nguy cơ để hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân phòng chống thiên tai.
Theo TS Tuấn, những năm qua công tác phòng chống thiên tai từ cấp TW đến địa phương đã có sự kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo và hướng dẫn cho người dân, nhất là ở vùng cao những kiến thức cơ bản về thiên tai, lấy người dân làm trung tâm trong công tác phòng chống thiên tai. Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại Quảng Nam cần thực hiện theo nhiều bước. Cụ thể, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở theo nhiều yếu tố như độ dốc, lượng mưa, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm phủ và xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở cho toàn tỉnh.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần phải xem xét lồng ghép xem thiên tai bất thường thành thiên tai bình thường để có những tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn đối với vùng miền núi. Vấn đề này phải được các cơ quan nhà nước thẩm định thì mới có thể thực hiện được. Chẳng hạn những tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở của người dân ở vùng núi với những đánh giá về mức độ, an toàn, sạt lở trên cơ sở dữ liệu tin cậy dựa trên khảo sát địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn ”, TS Tuấn nêu giải pháp.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lã Văn Chú, chuyên gia nghiên cứu lũ quét cho rằng, trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình được xác định là quan trọng nhất. Dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm trong và ngoài nước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lã Văn Chú khuyến cáo, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung cần áp dụng Hệ thống cảnh báo lũ quét của Nhật Bản.
“Một trong yếu tố cần theo cảnh báo của cả Tổ chức Khí tượng Thế giới và cả Nhật Bản là cần phải có Trạm mưa tự ghi. Vai trò của các trạm đo mưa tự động rất lớn. Càng nhiều càng tốt, nên đặt tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét. Từ đó, xây dựng được các đường tới hạn của việc xảy ra lũ quét cho từng vị trí trạm mưa. Đường ranh giới này là đường biểu thị xuất hiện lũ quét cảnh báo tự động chứ không phải căn cứ vào chỉ số cụ thể nào đó.” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Lã Văn Chú cho biết.
Sạt lở gây thiệt hại nặng về người và tài sản ở huyện Phước Sơn vào cuối tháng 10/2020 |
Duy trì thảm thực vật, tán rừng
Theo nhiều chuyên gia, để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, lũ quét gây ra bên cạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, cũng cần vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm, tri thức của người dân địa phương. Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối…
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, tại buổi làm việc với lãnh đạo Hội ngày 27/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “quy hoạch phải luôn đi trước một bước, từ đô thị đến nông thôn, miền núi. Quy hoạch không thể theo cảm tính”, cho thấy Thủ tướng rất quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch các khu dân cư đô thị, nông thôn và miền núi.
Đẩy mạnh trồng cây gây rừng là một trong những giải pháp phòng chống sạt lở |
Chúng ta không thể di dời các khu dân cư, đô thị vốn đã hình thành và ổn định trong khi BĐKH ngày càng khắc liệt, mưa lũ bất thường, chưa nói đến nước biển dâng. Việt Nam nằm trong cảnh báo lớn nhưng vậy chúng ta phải có giải pháp để giảm thiểu tác động của BĐKH. Vì vậy công tác quy hoạch là rất quan trọng. Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch.
Trước mắt, các cơ quan Trung ương và địa phương cần chỉ đạo, rà soát tất cả các khu dân cư ở miền núi hẻo lánh để có thể đưa ra những cảnh báo về những khu vực có thể xảy ra biến động về địa chất, thủy văn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… Cần thận trọng lựa chọn địa điểm xây dựng khu dân từ đô thị đến nông thôn và miền núi, phải bảo đảm người dân từ vùng núi đến đồng bằng có nơi ở an toàn, yên ổn, cuộc sống và tài sản của mình được bảo đảm.
“Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối; hạn chế tự do nương rẫy, chặt phá cây và duy trì thảm thực vật, tán rừng. Vừa rồi Thủ tướng đưa ra giải pháp trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, cho thấy Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề thảm thực vật. Một tỷ cây xanh ở đây không chỉ khu vực đô thị mà phải tập trung trồng cây gây rừng ở vùng núi.
Bên cạnh đó, khi triển khai các công trình như thủy điện, khu du lịch ở miền núi thì phải nghĩ đến lợi ích đồng bào và bảo đảm được sự toàn vẹn về vấn đề biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro, nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất”, ông Chính nói thêm.