Nhiều kênh, rạch ở Nam Bộ khô hạn gây sụt lún, sạt lở đất
Gần đây, một số địa phương thuộc khu vực Nam Bộ bị sạt lở, sụt lún đất gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cụ thể, hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) và khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Lý giải về nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất tại hai tỉnh nêu trên, Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho rằng, do sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân xây dựng nhà tập trung trên các đường, lộ gây sự tăng áp lực lên mặt đường làm cho nền đất yếu. Mặt khác, do hạn hán kéo dài nên hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng nước ngọt đều khô cạn. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phản áp gây sụt lún. Đồng thời, khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh, rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh, sông, rạch hẹp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Cùng quan điểm, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sạt lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn, trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn giao thông thủy và bộ.
Theo ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu diện tích sản xuất (cây ăn trái, hoa màu) rất lớn khiến mực nước các kênh trong đê bao thuộc vùng đệm U Minh Thượng xuống nhanh. Cùng với đó, nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng khô, cạn nước trên các kênh làm sụt lún, sạt lở, gây khó khăn khi vận chuyển hàng hóa.
Theo nhận định của Trung tâm báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần từ nay đến khoảng tháng 6/2024, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75 - 80%. Nắng nóng và khô hạn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024 và nắng nóng, nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Do vậy, nguy cơ sạt lở, sụt lún đất do hạn hán là rất lớn đối với các khu vực nêu trên.
Để phòng tránh, nguy cơ sạt lở, sụt lún đất trong thời gian tới, các chuyên gia về phòng, chống thiên tai khuyến cáo, chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phương án và kiên quyết triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện tình huống bất lợi. Đồng thời theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm. Đối với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ không ảnh hưởng đến các hộ dân; người dân và chính quyền địa phương bố trí và cân đối các nguồn lực để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn về người và cơ sở hạ tầng.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống sụt lún, sạt lở và thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg, ngày 6/7/2020 về phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh trồng cây chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ven biển để phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.
Các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung hiện trạng và tổng hợp tình hình sụt lún, sạt lở trên địa bàn. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi diễn ra thời tiết bất lợi; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị và người dân ứng phó, khắc phục kịp thời hiệu quả các tình huống xảy ra.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, hạn hán gây ảnh hưởng nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau). Ở huyện Trần Văn Thời xuất hiện 601 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh với tổng chiều dài 15.890 mét. Khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, U Minh, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân... Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với điều kiện thực tế. Các cơ quan liên quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Khi xảy ra thiếu nước, không bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước sinh hoạt.
Đối với huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), tính đầu tháng 4/2024, vùng đệm U Minh Thượng có 310 điểm sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài 7.533 m. Trong đó, tuyến ĐT.965 có 40 điểm sạt lở, tổng chiều dài 885 m và nguy cơ tiếp tục sạt lở thời gian tới có thể sẽ rất lớn, ước khoảng 7.000 m, ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 105 tỷ đồng. Đường giao thông nông thôn có 270 điểm, tổng chiều dài 6.668 m và nguy cơ tiếp tục sạt lở thời gian tới có thể sẽ rất lớn, khoảng 1.515 m; ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 76 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà dân đã sập 26 căn và 54 căn nhà khác có nguy cơ cao tiếp tục sụp đổ. Ước tổng thiệt hại đến ngày 7/4/2024 hơn 83,6 tỷ đồng...