Tăng cường sức chống chịu cho rừng ven biển Đầm Hà

Phạm Hoạch (thực hiện)| 07/07/2022 08:42

(TN&MT) - Có thể khẳng định RNM có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chống xâm nhập mặn, bảo vệ đê điều, ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, để thay đổi tư duy chỉ trồng RNM theo dự án, mang tính giai đoạn và thiếu tính bền vững, cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc trồng rừng và tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển.

Nhận thức rõ điều này, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai các dự án trồng RNM mang tính bền vững. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Trần Anh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà về nội dung này.

PV: Được biết huyện Đầm Hà đã triển khai dự án trồng RNM trong thời gian qua, xin ông cho biết những kết quả đã đạt được?

Ông Trần Anh Cường: Ngay sau khi Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường sức chống chịu vùng ven biển Quảng Ninh (FMCR) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được phê duyệt và triển khai giai đoạn 2019 - 2020, địa phương đã tích cực hưởng ứng. Để triển khai dự án, huyện Đầm Hà đã thành lập Tổ công tác cấp huyện, Tổ công tác cấp xã, trong đó Phó Chủ tịch các cấp làm Tổ trưởng. Ngoài ra, tại các xã vùng dự án, thành lập các nhóm cộng đồng người dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM.

anh-dh-02.jpg
Ông Trần Anh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà

Theo đó, các nhóm cộng đồng tại các xã phối hợp với Ban Quản lý trồng rừng Việt - Đức chuẩn bị vật tư, nhân lực cho việc trồng rừng. Đến mùa vụ trồng rừng, đơn vị cung cấp và vận chuyển cây giống đến hiện trường để các nhóm cộng đồng triển khai thực hiện trồng RNM.

Nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, với việc thực hiện triển khai dự án FRCM trên địa bàn huyện đã nâng tổng diện tích RNM đã trồng mới lên gần 100ha tại địa bàn 4 xã ven biển của huyện Đầm Hà, gồm các xã Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình và Tân Bình.

Năm 2022, theo kế hoạch, địa phương sẽ trồng gần 200ha RNM. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 54ha RNM, trong đó xã Đại Bình là 17,81ha; xã Đầm Hà là 10,11ha; xã Tân Lập là 19,36ha và xã Tân Bình 7ha. Diện tích RNM được trồng mới đã góp phần vào việc nhân rộng thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển của huyện Đầm Hà lên hơn 2.600ha. Đây là “bức tường xanh” có vai trò quan trọng, góp phần tăng sự ổn định của bãi triều, chống xói lở bờ biển, từ đó sẽ giảm chi phí tu sửa đê, kè biển hàng năm của địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng người dân tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa, hiệu quả mà Dự án mang lại trong việc góp phần ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống lụt bão?

Ông Trần Anh Cường: Trước hết, cần khẳng định RNM là đai rừng phòng hộ ven biển bền vững, che chắn và hạn chế sóng biển, chắn bão, chống xâm nhập mặn, bảo vệ các công trình đê, kè biển, các khu nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH.

Tác dụng to lớn của RNM là vậy, nhưng qua thực tế cho thấy, việc trồng RNM trong những năm gần đây luôn là một nhiệm vụ khó khăn và tốn kém, bởi kinh phí để trồng 1ha RNM sẽ gấp từ 2 đến 3 lần 1ha rừng trên cạn. Do vậy, việc được tiếp nhận và triển khai dự án tài trợ trồng RNM là một lợi thế cho huyện Đầm Hà trong bối cảnh BĐKH diễn ra ngày càng khốc liệt. Nhận thức được điều đó, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã ven biển tập trung thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM.

Thông qua việc triển khai dự án đã giúp gia tăng, củng cố đai rừng phòng hộ ven biển của huyện, góp phần giảm nhẹ thiên tai, xâm nhập mặn, ứng phó với BĐKH, tạo môi trường cho các loài thủy sản sinh sôi, phát triển. Đồng thời, dự án cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ven biển thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, khai thác thủy sản trong những cánh RNM.

PV: Để thay đổi tư duy trồng RNM theo dự án, mang tính giai đoạn, thiếu tính bền vững, thời gian tới, huyện Đầm Hà sẽ triển khai những giải pháp gì?

Ông Trần Anh Cường: Trong những năm qua, huyện Đầm Hà luôn xác định để đạt được hiệu quả trong việc trồng RNM một cách bền vững, cần phổ biến sâu rộng tới người dân về lợi ích của việc trồng rừng để chống chọi với thiên tai; tạo việc làm và thu nhập cho người dân ven biển. Do vậy, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở, vận động người dân trong việc trồng, bảo vệ, phát triển RNM theo hướng bền vững.

anh-dh-03.jpg

Những cánh rừng ngập mặn ven biển tại huyện Đầm Hà.

Đồng thời, huyện luôn xác định rõ việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nói chung, RNM nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, và cũng là mục tiêu phát triển dài hạn, quan trọng, đa lợi ích (kinh tế - xã hội - môi trường) gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để bảo vệ những cánh RNM, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện các vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ RNM, nhằm có biện pháp răn đe, xử lý theo quy định.

Đồng thời, việc lập, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tính đến yếu tố quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích RNM; kiên quyết, hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên ngập mặn sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình.

Có thể khẳng định, sự thành công của dự án tại địa phương là cơ sở cho người dân, cộng đồng hiểu về vai trò của RNM đối với đời sống của người dân, qua đó nâng cao ý thức, thay đổi tư duy trồng RNM theo tính giai đoạn, thiếu tính bền vững.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sức chống chịu cho rừng ven biển Đầm Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO