Xã hội

Quảng Ninh: Hướng giảm nghèo bền vững ở Đầm Hà

Phạm Hoạch 24/07/2024 - 15:30

(TN&MT) - Những năm gần đây, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc phát triển kinh tế vườn đồi, từng bước hình thành vùng cây ăn quả tập trung cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao.

Cây ăn quả hướng đi bền vững

Cây chanh leo là một trong 4 loại cây chủ lực được huyện Đầm Hà lựa chọn trồng theo đề án Phát triển vùng cây ăn quả tập trung đến năm 2030. Đến nay, huyện Đầm Hà đã phát triển được trên 3ha trồng chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang cho biết: Cuối năm 2023, gia đình mạnh dạn chuyển đổi hơn 3ha đất chua mặn vốn đang được trồng rau màu sang trồng cây chanh leo. Với sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, cũng như hỗ trợ 70% kinh phí về giống, phân bón vật tư chính với tổng số tiền 323 triệu đồng cho mô hình, cây chanh leo phát triển tốt và cho thu hoạch.

anh-dh-11.jpg
Sản phẩm quả chanh leo của HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang được đóng gói xuất khẩu sang thị trường nước ngoài

Toàn bộ quá trình chọn giống, trồng, chăm sóc, cho đến thu hoạch, bảo quản chanh leo được cán bộ xã Đầm Hà phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và đơn vị thu mua là Công ty CP Sài Gòn - Gia Lai hướng dẫn, tập huấn chi tiết. Hiện sản phẩm chanh leo được mang test đạt tiêu chuẩn không có 570 chất cấm nông nghiệp, bước đầu đảm bảo các điều kiện xuất khẩu.

Đến nay, vườn chanh leo của gia đình anh Đặng Văn Giang tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà được đánh giá đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu, cùng với đó, HTX còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 10 lao động với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Được sự hỗ trợ của huyện Đầm Hà, năm 2017, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Ðầm Hà thuê hơn 5 ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để phát triển mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Ðể triển khai hiệu quả việc trồng dưa lưới, công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt 6.000m2 nhà màng bằng công nghệ mới, tiên tiến của Israel.

Thời gian tới, Công ty tiếp tục phát triển mô hình rau sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, để du khách có thể khám phá những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng và chăm sóc các loại dưa lưới, rau thủy canh và thưởng thức những sản phẩm hữu cơ sạch của địa phương.

Đây có thể nói là hướng đi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đối với những hộ dân, nhất là những hộ đồng bào DTTS ở xã vùng cao có diện tích đất trồng cây lớn, cùng với nguồn nước dồi dào, mở ra hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, liên kết vùng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xây dựng vùng cây ăn quả tập trung

Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng chanh leo đạt 148ha, sản lượng 4.400 tấn, phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích trồng chanh leo đạt 500ha, sản lượng thu hoạch đạt 10.000 tấn, tập trung tại các xã: Tân Bình, Dực Yên, Đầm Hà, Tân Lập, Quảng Tân, Đại Bình.

Đây cũng là nhiệm vụ cụ thể hóa Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Từ đó góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

anh-dh-12.jpg
Người dân xã Tân Bình huyện Đầm Hà đưa cây cam giống Cao Phong có xuất xứ từ Hòa Bình cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện cuộc sống

Trong năm 2023, huyện Đầm Hà đã triển khai thí điểm trồng 4 loại cây: Na, bưởi, chanh leo, mít, lần lượt tại các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Quảng Lâm, tổng diện tích 12ha. Các loại cây ăn quả tuy mới đưa vào trồng nhưng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và phát triển tốt.

Hiện nay, để phát triển cây chanh leo, huyện Đầm Hà đang tích cực đào tạo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo. Trong đó, ưu tiên vào các hộ có diện tích vườn cây ăn quả rộng, có khả năng tiếp thu, đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào việc trồng, chăm sóc cây ăn quả cho năng suất cao.

Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về trồng, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ trồng và thâm canh cây ăn quả tập trung, khuyến khích các nông hộ, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất, nhất là đối với chanh leo và các cây ăn quả chủ lực, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản sạch. Cùng với các loại cây ăn quả như na, bưởi mít, cuối năm 2024, huyện Đầm Hà sẽ mở rộng diện tích trồng cây chanh leo lên hơn 10ha, dần dần nhân rộng mô hình theo đúng đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất, kinh tế của huyện Đầm Hà đã có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất các ngành trọng điểm nông, lâm, thủy sản tăng trưởng mạnh qua các năm. Nhờ vậy, thu nhập của người dân Đầm Hà tính ở thời điểm cuối năm 2023 là trên 80 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là 75 triệu đồng/người/năm, khu vực đô thị là trên 103 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không có hộ nghèo, không có nhà dột nát, chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn đã nâng lên rõ rệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Hướng giảm nghèo bền vững ở Đầm Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO