Xã hội

Đầm Hà (Quảng Ninh): Tạo sinh kế lâu dài dưới những tán rừng ngập mặn

Phạm Hoạch 05/09/2024 - 22:35

(TN&MT) - Hàng chục năm qua, những cánh rừng ngập mặn xanh ngút tầm mắt giữ vai trò là những “lá chắn xanh” ngăn nước biển dâng, hạn chế triều cường xâm thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ làng mạc, người dân ở các xã ven biển, tạo việc làm, thu nhập ổn đinh cho hàng trăm hộ dân của huyện Đầm Hà.

Chung tay bảo vệ rừng ngập mặn

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Đầm Hà - ông Lương Quốc Thịnh chia sẻ: Trong những năm qua, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà đã vận động bà con nông dân trồng hàng chục ha rừng bổ sung vào những cánh RNM tự nhiên của địa phương. Những cánh RNM không chỉ bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn mà còn bảo vệ hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía trong đê, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân từ việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản.

anh-dh-01.jpg
Nhóm cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn tại thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà

Những cánh RNM không chỉ như những “bức tường xanh” bảo vệ làng mạc, người dân các xã ven biển của huyện Đầm Hà từ bao đời nay mà còn tạo sinh kế lâu dài, góp phần nâng cao đời sống cho hàng trăm hộ gia đình ở địa phương. Hằng ngày, có hàng trăm người dân địa phương đánh bắt thủy hải sản có giá trị như sá sùng, sâu đất, cua, ốc, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Trước những năm 2000, trên địa bàn vẫn xảy ra việc người dân chặt cây sú, vẹt làm củi đun, khiến diện tịch rừng bị sụt giảm đáng kể. Hệ lụy của việc suy giảm rừng ngập mặn kéo theo tình trạng nước mặn xâm thực ao đầm, nguồn lợi thủy sản dưới những tán RNM ngày càng ít đi. Nhận thức được tầm quan trọng của những cánh RNM, người dân xã Đầm Hà cũng như bà con ở các xã ven biển như Tân Bình, Đại Bình, Tân Lập cùng bảo nhau phải giữ rừng, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ "lá phổi xanh", nguồn sinh kế lâu dài cho mai sau.

Hơn chục năm trở lại đây, từ khi các chương trình, dự án trồng mới, phục hồi và làm giàu RNM do tỉnh và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, người dân những xã ven biển tích cực đăng ký trồng rừng để lấy tiền công và còn tự nhắc nhở nhau bảo vệ những cánh RNM. Theo năm tháng, những cánh RNM nơi đây dần xanh tốt, hàng chục ha rừng đã được trồng bổ sung ở những vị trí còn trống trong vạt RNM tự nhiên rộng lớn.

Xã Đại Bình là một trong những địa phương có diện tích RNM lớn của huyện Đầm Hà, trong những năm qua, hàng chục ha rừng được trồng bổ sung thêm vào những cánh RNM tự nhiên của xã. Nhờ vậy, hiện nay, toàn xã có hơn 918ha RNM, những cánh RNM vừa bảo vệ hệ thống đê, đất sản xuất nông nghiệp và còn tạo việc làm và thu nhập ổn định từ việc đánh bắt nguồn lợi thủy sản trú ngụ dưới những tán RNM xanh tốt.

anh-dh-03.jpg
Từ năm 2021 đến nay đã có hơn 200 ha rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Đầm Hà được trồng mới, tạo thành “bức tường xanh” ứng phó BĐKH, tạo sinh kế cho người dân

Vốn có hàng chục năm gắn bó với nghề đánh bắt sá sùng, cua, ốc dưới những tán RNM trên địa bàn các xã ven biển huyện Đầm Hà, bà Phạm Thị Hà, nhà ở xã Tân Bình chia sẻ: Những cánh rừng mắm, sú, vẹt gắn bó với đời sống bà con từ bao đời nay, rừng ngập mặn vừa bảo vệ làng mạc vừa là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tôm, cá cua, cốc, giúp gia đình tôi và người dân địa phương có thêm thu nhập từ việc khai thác thủy sản dưới tán rừng để ổn định cuộc sống.

Phát triển rừng tạo sinh kế bền vững

Hiện nay, huyện Đầm Hà có 2.523ha RNM thuộc địa bàn các xã Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà, Tân Bình. Trong đó, diện tích đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà quản lý 1.782,9ha, diện tích do các xã đang quản lý là 497,8ha và diện tích giao cho chủ rừng là doanh nghiệp với 239,6ha.

Hệ thống RNM trên địa bàn huyện Đầm Hà khá đa dạng với các loại cây, như: Mắm, sú, vẹt, trang, bần. Những cánh RNM có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ hệ thống đê biển, ngăn chặn gió bão, che chở làng mạc và người dân ven biển, cũng là nơi trú ngụ, sinh trưởng của nhiều loài thủy hải sản có giá trị, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống người nông dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ sinh thái RNM, những năm qua, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển RNM. Ông Phạm Văn Thuật, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, cho biết: Ban Quản lý rừng phòng hộ và lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã ven biển, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ diện tích RNM trên địa bàn, nên nhiều năm liền không có hiện tượng chặt phá, xâm lấn những cánh RNM.

anh-dh-02.jpg
Những cánh rừng ngập mặn vừa bảo vệ đê điều, làng mạc vừa tạo sinh kế lâu dài cho người dân đánh bắt thủy sản dưới tán rừng

Trong gần 20 năm qua, chương trình trồng RNM bằng nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện với diện tích gần 200ha trên địa bàn các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập. Cùng với đó, hằng năm huyện Đầm Hà đều tổ chức các đợt ra quân trồng RNM hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhờ vậy đã trồng mới thêm gần 10ha RNM tại các xã ven biển.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đầm Hà có hơn 8.600ha đất bãi triều, mặt nước biển, trong đó có hơn 5.600ha đất bãi triều, mặt nước khu vực ven biển quy hoạch cho NTTS với nhiều loài cá biển, nhuyễn thể, tôm. Vì vậy, việc bảo vệ, nhân rộng thêm diện tích RNM đã và đang là một giải pháp quan trọng để phát triển bền vững nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, tạo hướng đi lâu dài, góp phần nâng cao đời sống của bà con sinh sống ở những xã ven biển.

Cùng với đó, huyện Đầm Hà thường xuyên chỉ đạo các xã ven biển tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của RNM, vận động người dân hưởng ứng tham gia trồng, bảo vệ RNM, cũng chính là bảo vệ an toàn của làng mạc, cũng như sinh kế lâu dài cho nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng giúp bà con cao chất lượng đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầm Hà (Quảng Ninh): Tạo sinh kế lâu dài dưới những tán rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO