Sơn La: Hiệu quả từ việc sát nhập VPĐK đất đai một cấp

21/09/2018 18:50

(TN&MT) - Chính thức đi vào hoạt động theo mô hình 1 cấp từ ngày 1/5/2016, hơn 2 năm qua, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Văn phòng Đăng ký (VPĐK) đất đai tỉnh Sơn La đã cho thấy những kết quả tích cực.

 
Sơn La: Hiệu quả từ việc sát nhập VPĐK đất đai một cấp
Cán bộ Chi nhánh VPĐK đất đai huyện Sốp Cộp lập hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân

Huyện Sốp Cộp là một trong những địa phương xa nhất của tỉnh Sơn La, nằm cách TP. Sơn La 120km. Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, huyện Sốp Cộp, cho biết: Trước đây, khi Văn phòng hoạt động theo mô hình 2 cấp, trực thuộc Phòng TN&MT huyện, chỉ có 1 đồng chí cán bộ và 1 Giám đốc Văn phòng do Phó phòng TN&MT kiêm nhiệm nên gây nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Khi đưa về mô hình một cấp, thời gian đầu, Chi nhánh Văn phòng cũng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do việc luân chuyển hồ sơ từ huyện ra thành phố đã mất 5 - 6 ngày do địa bàn xa. Tới nay, Chi nhánh đã khắc phục và giảm được thời gian này chỉ còn khoảng 3 ngày. Đặc biệt, từ khi Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực, Sở TN&MT trực tiếp ủy quyền cho Giám đốc VPĐK đất đai ký GCN, tạo nhiều thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo: “Tôi đánh giá hoạt động của VPĐK đất đai một cấp là rất thuận lợi. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sau khi về 1 cấp đạt khoảng 96% đúng hạn.” – ông Đặng Ngọc Hải đánh giá.

Còn tại TP. Sơn La, địa phương có lượng hồ sơ giao dịch đất đai sôi động nhất tỉnh. Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh VPĐK đất đai TP. Sơn La, nhận định: Việc đưa văn phòng về hoạt động theo mô hình một cấp đã tạo sự xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành về chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cũng được cắt giảm từ 20-30% so với trước đây. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi nhánh Văn phòng đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt hơn 1.300 hồ sơ mới. Giải quyết hồ sơ đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất cho hơn 1.000 hồ sơ. Thẩm định khoảng 2.000 hồ sơ cấp đổi cấp lại GCN…

Cán bộ Chi nhánh VPĐK đất đai huyện Sốp Cộp lập hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân

Với kết quả như trên, Chi nhánh VPĐK đất đai TP. Sơn La đã hoàn thành khoảng 55% kế hoạch năm 2018 và tăng 15% kết quả giải quyết thủ tục hành chính so với cùng kỳ 2017. Một số hồ sơ còn tồn đọng hay trễ hẹn chủ yếu do việc xác minh nguồn gốc sử dụng, thời điểm sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, nên kéo dài thời gian thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Xuân Thi, Quyền Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La, cho biết: Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, trực thuộc Sở TN&MT Sơn La chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/5/2016, bao gồm 4 phòng chuyên môn, 12 Chi nhánh Văn phòng tại 12 huyện, thành phố với 107 công chức, viên chức và người lao động hợp đồng.

“Nhìn chung, sau khi đưa về mô hình một cấp, trong thời gian đầu, do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên Văn phòng còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình vận hành bộ máy. Ngay sau đó, Văn phòng đã tham mưu cho Sở TN&MT ban hành Quy trình luân chuyển hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền Giám đốc Sở TN&MT ký GCNQSDĐ, tạo sự thống nhất cách làm việc từ các Chi nhánh lên Văn phòng cấp tỉnh, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN cho người dân. Tháng 7/2017, Văn phòng đã được UBND tỉnh bổ sung thêm 35 biên chế, khắc phục tình trạng thiếu nhân lực của giai đoạn trước. Hiện trung bình mỗi chi nhánh có từ 5 - 7 biên chế, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc” – ông Đoàn Xuân Thi, Quyền Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, tỉnh Sơn La, thông tin.

Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế về khoảng cách giữa Chi nhánh cấp huyện và Văn phòng cấp tỉnh, không gây chậm trễ trong quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp GCN, một số Chi nhánh ở xa thành phố như Phù Yên, Sốp Cộp... Văn phòng đã khắc phục bằng cách cho phép các Chi nhánh quét hồ sơ và nén gửi qua đường điện tử. Làm như vậy sẽ chỉ mất thời gian ký và luân chuyển hồ sơ một chiều, đảm bảo quá trình tiếp nhận hồ sơ nhanh nhất, tạo sự thuận lợi cho người dân.

Cán bộ Chi nhánh VPĐK đất đai huyện Sốp Cộp lập hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân

Nhờ sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở TN&MT, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của VPĐK đất đai tỉnh Sơn La đã cho thấy những kết quả tích cực. Qua hơn 2 năm, đã tiếp nhận, giải quyết 493 hồ sơ của các tổ chức, hơn 11.000 hồ sơ của các hộ gia đình cá nhân chuyển từ các Chi nhánh lên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khó khăn lớn nhất hiện nay là toàn tỉnh Sơn La chưa có bản đồ địa chính hoàn chỉnh, công tác chỉnh lý, cập nhật cơ sở dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Việc cấp GCNQSDĐ trước đây còn sai sót, việc trích đo địa chính thửa đất, thẩm tra, xác minh của Chi nhánh với các thủ tục hành chính về đất đai vẫn phải có sự tham gia của cán bộ xã, phường, tổ bản dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Ngay cả Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cũng chưa được đầu tư trang bị hệ thống máy móc cần thiết. Trụ sở làm việc của Văn phòng cấp tỉnh chưa có, phải tự trang trải chi phí thuê thêm trụ sở làm việc. Diện tích kho lưu trữ hồ sơ cũng chưa được đảm bảo. Như vậy, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giải quyết công việc.

“Chi nhánh hiện có 5 biên chế và 1 lao động hợp đồng, trong khi khối lượng công việc lớn, hồ sơ giao đất theo chỉ thị 10 sai sót nhiều về hình thể, diện tích không chính xác nên số lượng hồ sơ cần chỉnh sửa lớn. Trang thiết bị giữ nguyên trạng của Văn phòng trước đây, cơ sở dữ liệu đất đai chưa có. Do đó, Chi nhánh đề nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quét hồ sơ, vừa để lưu dữ liệu, vừa để thuận lợi trong việc chuyển hồ sơ. Đồng thời, sớm tạo phần mềm liên thông giữa Trung tâm hành chính công cấp huyện, tỉnh với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để thuận lợi trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính” – Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Sốp Cộp kiến nghị.

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Hiệu quả từ việc sát nhập VPĐK đất đai một cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO