Theo báo cáo, năm 2022, giá trị sản xuất của huyện tăng 14,2%, cao nhất từ trước đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, ước đạt 6.232,4 tỷ đồng, tăng 22,3%; giá trị sản xuất trong chăn nuôi đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 0,4%, so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ phát triển kinh tế rừng đạt 819 tỷ đồng (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2025 là 650 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm sâu (giảm gần 13%).
Tại buổi làm việc, huyện Sơn Động đề nghị tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường (mỏ cát, đất san lấp), bàn giao công trình nước sạch của thị trấn An Châu và thị trấn Tây Yên Tử để địa phương thu hút đầu tư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Ngoài ra với hạ tầng giao thông, huyện đề nghị tỉnh nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Lục Ngạn - Sơn Động - Đình Lập (Lạng Sơn); nâng cấp các dự án giao thông để phát triển KT-XH của địa phương như: Đường kết nối với thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), đường tỉnh 293D, đường vào Khu du lịch Đồng Cao, dự án xây dựng cầu An Bá và đường dẫn, xây dựng cầu Khe Táu (xã Yên Định).
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, huyện đề nghị các sở, ngành quan tâm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chủ lực của huyện, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành đánh giá, dù có nhiều tiềm năng phát triển song do chưa hoàn thành quy hoạch vùng nên Sơn Động khó thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, năm 2023, sẽ đầu tư hơn 130 tỷ đồng để duy tu, bảo trì 3 đoạn trên tuyến Quốc lộ 31 (đoạn từ xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đến thị trấn An Châu), tạo thuận lợi để phát triển KT-XH địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho rằng, với lợi thế về đất rừng, huyện cần quan tâm phát triển kinh tế gắn với rừng, nhất là rừng trồng gỗ, đưa những giống mới, năng suất cao vào trồng. Để nâng cao giá trị, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân nâng cao trình độ thâm canh, khai thác tối đa dư địa để mở rộng diện tích rừng trồng. Với diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, tập trung cao cho công tác quản lý, bảo vệ, tạo điểm nhấn thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích nhấn mạnh để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Sơn Động cần chủ động, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành để phát triển KT-XH thời gian tới. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký, cần rà soát, lựa chọn các phần việc cụ thể thực hiện theo từng năm, phối hợp với các ngành tập trung giải quyết dứt điểm. Tăng cường quản lý đất đai, không để xảy ra vi phạm, gây bức xúc trong dư luận; tập trung cao quản lý hoạt động khai thác khoáng sản sau đấu giá.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Sơn Động trong phát triển KT-XH thời gian qua. Đồng chí cho rằng thời gian tới, huyện Sơn Động cần quyết tâm, đặt mục tiêu lớn đưa ra nghị quyết, đề án đối với từng thế mạnh, lợi thế địa lý để phát huy hiệu quả vươn lên.
Ngoài ra, tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành các tuyến đường giao thông; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai, rừng, không để tái diễn, phát sinh vi phạm. Tích cực phối hợp, triển khai Cụm công nghiệp Thanh Sơn, phấn đấu đưa vào hoạt động trong năm 2024. Cùng với đó, tranh thủ sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các ngành xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP, trong đó tập trung vào 3 cây, 1 con (cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và gà) để xây dựng thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện.
Đồng thời với ý kiến, kiến nghị của huyện, tỉnh sẽ giao cho các sở liên quan phối hợp và bố trí nguồn vốn, xây dựng huyện phát triển bền vững.