Xã hội

Đinh Lập (Lạng Sơn): Đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 27/06/2024 - 19:04

(TN&MT) - Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện Đình Lập (Lạng Sơn) quan tâm triển khai, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND huyện Đình Lập.

PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện những năm qua?

Ông Nguyễn Văn Hà:

Huyện Đình Lập có 2 thị trấn, 9 xã vùng I, 1 xã vùng III, trong đó có 2 xã biên giới; 112 thôn bản, khu phố với 48 thôn, khu đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có trên 30.000 người, hơn 85% dân số là đồng bào DTTS.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu giảm nghèo đạt kế hoạch đề ra, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn. Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Đồng thời tuyên truyền, vận động hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực tự cường, ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội. Thường xuyên giám sát, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để chỉ đạo tháo gỡ.

Cùng với đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai lồng ghép với các tiêu chí giảm nghèo bền vững, dạy nghề và tạo việc làm, góp phần thúc đẩy thực hiện có hiệu quả hơn các dự án, chương trình liên quan đến giảm nghèo, dạy nghề và tạo việc làm tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

screenshot_20240624_154804_facebook.jpg
Chủ tịch UBND huyện Đình Lập Nguyễn Văn Hà

PV: Ông có thể thông tin chi tiết một số kết quả nổi bật trong công tác gỉảm nghèo mà Đình Lập đã đạt được từ năm 2023 đến nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà:

Trong năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông về công tác giảm nghèo tại 12/12 xã, thị trấn; tổ chức 9 Hội nghị tập huấn về nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho gần 560 lượt cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp;

Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền về thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tuyên truyền về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được hơn 220 cuộc/112 thôn, khu trên địa bàn.

Thực hiện các chương trình, dự án nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đã triển khai 18 dự án chăn nuôi lợn thịt, dê, bò sinh sản, trồng chè, trồng rừng… cho hiệu quả tích cực.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thuộc địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; mở 16 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm cho 350 lao động; xóa 56 nhà tạm cho hộ nghèo; hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho hơn 100 hộ; hỗ trợ tiền điện cho gần 1.800 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách…

Đến nay, các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện còn 267 hộ nghèo, chiếm 3,56%; 563 hộ cận nghèo, chiếm 7,5%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 11,06%.

Toàn huyện hiện có 9/10 xã nông thôn mới, trong đó, 4 xã nông thôn mới nâng cao. Huyện đang phấn đấu năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.

img_20240624_210533.jpg
Đình Lập đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn vào năm 2025.

PV: Giảm nghèo bền vững luôn là bài toán đầy thách thức. Vậy, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này, xin ông cho biết những khó khăn, hạn chế mà Đình Lập đang đối diện?

Ông Nguyễn Văn Hà:

Qua triển khai giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở một số địa phương cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã có lúc chưa sâu sát, quyết liệt. Một số thành viên Ban Chỉ đạo các cấp chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình; một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Đảng, nhà nước và cộng đồng xã hội.

Đáng lưu ý, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mặc dù đã được phân bổ từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn còn một số cơ quan, đơn vị được phân bổ nguồn vốn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân nguồn vốn. Đối với các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo một số xã, thị trấn còn khó khăn trong việc lựa chọn, xây dựng và thực hiện dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả giảm nghèo.

PV: Khắc phục những khó khăn, hạn chế, hướng tới hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo năm 2024, Đình Lập đã và đang triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà:

Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2%/năm trở lên, hộ cận nghèo từ 3% trở lên, năm 2024, UBND huyện xác định, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân chung tay vào công tác giảm nghèo.

Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt đầy đủ đến các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về giảm nghèo; quan điểm chỉ đạo và nội dung chương trình giảm nghèo của huyện; phổ biến các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo và kết quả hoạt động của chương trình; giáo dục ý thức tự lực vươn lên, không ỷ lại cho hộ nghèo, người nghèo, góp phần nâng cao trách nhiệm về công tác giảm nghèo cho toàn xã hội.

img_20240624_210552.jpg
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân Đình Lập nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của Thủ tướng Chính phủ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin… Huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và năng lực tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ giảm nghèo các cấp, nhất là cấp xã.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát Chương trình giảm nghèo thông qua hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá chương trình, nhằm nắm được tiến độ kết quả thực hiện các chủ trương chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh các nội dung hoạt động của chương trình, đảm bảo hiệu quả cao, mang tính toàn diện và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đinh Lập (Lạng Sơn): Đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO