Sở TN&MT Sơn La tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân

14/08/2019 19:26

(TN&MT) – Chiều ngày 14/8, Sở TN&MT Sơn La tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Sở TN&MT với nhân dân. Hội nghị đã tiếp nhận 03 ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến 02 lĩnh vực đất đai và môi trường.

a1
Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La trực tiếp trao đổi, tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực đất đai cho người dân

Lĩnh vực đất đai, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nga (Phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La) có ý kiến: Ngày 26/2/1993, gia đình bà Nga được UBND tỉnh Sơn La cấp GCNQSDĐ với diện tích 56m2 đất ở trên tổng số hơn 100m2 đất gia đình đang sử dụng. Đến năm 2014, thực hiện Dự án đo đạc tổng thể, sau khi đo bằng máy diện tích đất của gia đình là 125,8m2. Năm 2019, gia đình xin cấp đổi lại GCNQSDĐ. Vậy 69,8m2 tăng thêm sẽ được bổ sung vào GCN mới như thế nào? Căn cứ để xem xét?

Trả lời vấn đề này, ông Đoàn Xuân Thi, Quyền Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La thông tin về hướng giải quyết với trường hợp thửa đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, theo khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ…

Sau khi trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan, ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh khẩn trương xác định rõ lại diện tích đất của hộ gia đình bà Nga; sớm cấp đổi lại GCNQSDĐ cho hộ gia đình bà Nga trước 20/09/2019.

a2
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La trao đổi với người dân về công tác bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê

Lĩnh vực môi trường, có 2 hộ dân là chủ cơ sở chế biến cà phê bằng công nghệ ướt quy mô hộ gia đình tại xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, đề nghị Sở TN&MT Sơn La giải đáp: 2 cơ sở đã dừng hoạt động hoàn toàn từ năm 2017 tới nay, do ô nhiễm cà phê gây mất nước tại thành phố Sơn La trong 10 ngày từ 04-14/11/2017. Ngày 26/7/2019, Sở TN&MT tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê. Như vậy, với những cơ sở của các hộ dân đầu tư xây dựng xong theo đúng Hướng dẫn số 204 ngày 4/7/2019 của Sở TN&MT, về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình, thì có được hoạt động sản xuất bình thường hay không? Việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, cơ sở phải thuê đơn vị tư vấn nên có thể giãn thêm thời gian thực hiện?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Tiến, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Sơn La cho biết: 2 cơ sở của 2 hộ dân có quy mô công suất từ 720-900 tấn quả tươi/năm (tương đương 8-10 tấn quả tươi/ngày). Định mức nước thải phát sinh 1,5m3/ tấn quả tươi; lượng nước thải phát sinh trong 1 vụ sản xuất từ 1080-1350m3 (lượng nước thải phát sinh 12-15m3/ngày). Lượng chất thải rắn phát sinh (vỏ quả cà phê) chiếm khoảng 42-44% khối lượng quả tươi, với lượng sản xuất 8-10 tấn quả tươi/ngày lượng chất thải rắn phát sinh là 3,36 tấn – 4,2 tấn/ngày.

Với quy mô công suất và lượng chất thải phát sinh, 2 cơ sở phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi đến UBND huyện Thuận Châu xem xét, thẩm định, xác nhận. Đặc biệt, để được thực hiện sản xuất, các hộ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải chế biến cà phê đảm bảo cột A của QCVN 40:2011/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, do cơ sở sản xuất nằm trong vùng hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt theo Quyết định 2415/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Sơn La.

a3
Quang cảnh hội nghị

Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La tiếp tục thông tin: Năm 2017, việc ngừng cấp nước trong 10 ngày do ô nhiễm cà phê đã gây thiệt hại khoảng trên 20 tỷ đồng cho nhân dân và nhà máy nước. Niên vụ cà phê 2019 này, với các cơ sở lớn, Sở TN&MT đang tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình đầu tư xây dựng về bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm, nếu không đáp ứng yêu cầu chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn kiên quyết không được hoạt động.

Với các hộ nhỏ lẻ, Sở TN&MT đã họp liên ngành với Sở NN&PTNT, Sở KHCN, Sở Công thương, Sở Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho các hộ. Sau khi xem xét đặc thù của Sơn La, Sở TN&MT ban hành Hướng dẫn số 204, nhưng chỉ áp dụng ở các vùng không gây tác động đến nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Còn các hộ nằm trên lưu vực đầu nguồn nước sinh hoạt, phải đáp ứng nghiêm ngặt theo quy định.

“Chúng tôi rất chia sẻ với người dân huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố với khoảng 21.000ha cà phê. Hiện tỉnh đã giao Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở KHCN nghiên cứu đề xuất mô hình sơ chế cà phê theo hướng tiến tới hạn chế sử dụng nước.” – ông Đỗ Văn Trụ cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở TN&MT Sơn La tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO